Fica
  1. Thời sự

Kịch bản xấu nhất nếu trạm BOT bị "đóng cửa" vì chậm thu phí tự động

Nếu đến ngày 31/12 doanh nghiệp chưa lắp đặt xong hệ thống thu phí tự động không dừng thì trạm sẽ bị "đóng cửa". Khi đó, doanh nghiệp mất nguồn thu, bị "chặn" dòng tiền, "vỡ" phương án tài chính…

Thực hiện chủ trương của Chính phủ về triển khai hệ thống thu phí điện tử không dừng (ETC), Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã chỉ đạo các nhà cung cấp dịch vụ và các nhà đầu tư dự án BOT, Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) triển khai đối với các dự án trên các tuyến quốc lộ, UBND các tỉnh chỉ đạo triển khai các dự án thuộc thẩm quyền của địa phương.

Dự án thu phí điện tử tự động không dừng giai đoạn 1 (BOO1), đơn vị cung cấp dịch vụ là Công ty TNHH VETC, gồm các trạm trên quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên và một số tuyến cao tốc đã cơ bản hoàn thành với 40 trạm đã vận hành hệ thống thu phí tự động không dừng.

Dự án thu phí điện tử tự động không dừng giai đoạn 2 (BOO2), đơn vị cung cấp dịch vụ là Công ty CP giao thông số Việt Nam (VDTC) - doanh nghiệp dự án của Viettel và các nhà đầu tư, triển khai thực hiện các trạm thu phí còn lại trên toàn quốc; hiện đã lắp đặt đưa vào vận hành 25 trạm.

Nếu đến ngày 31/12 doanh nghiệp chưa kích hoạt hệ thống thu phí tự động không dừng thì trạm sẽ bị "đóng cửa"

Hiện nay, trên các tuyến quốc lộ và cao tốc còn một số trạm chưa triển khai, trong đó có 4 trạm trên 4 tuyến cao tốc do VEC quản lý; 8 trạm không thể triển khai hoặc lùi thời gian triển khai sau năm 2020 do đặc thù: 3 trạm thu phí có doanh thu quá thấp (trạm Km1747 đường Hồ Chí Minh, cầu Mỹ Lợi và Thái Hà), 2 trạm chưa được thu phí và đang báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét (trạm Bờ Đậu - quốc lộ 3 và trạm T2 - quốc lộ 91) và 3 trạm có thời gian thu phí còn lại ngắn dưới 3 năm (3 trạm quốc lộ 51).

Đối với các trạm do địa phương là cơ quan nhà nước có thẩm quyền: Có 16 địa phương là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với các dự án BOT có 50 trạm thu phí (riêng Cà Mau có 4 trạm thu phí chỉ thu phương tiện thô sơ và nội bộ tỉnh nên kiến nghị không triển khai ETC).

Các dự án BOT của 15 địa phương gồm 46 trạm thu phí: 40 trạm đang tổ chức thu (33 đã lắp đặt xong hệ thống thu phí điện tử không dừng; 7 trạm đang triển khai hệ thống ETC); 6 trạm đang xây dựng, chưa tổ chức thu.

Việc triển khai kết nối liên thông hệ thống back-end dự án BOO1 và BOO2 đã đảm bảo việc lưu thông thuận lợi, thông suốt của phương tiện đã được dán thẻ khi đi qua tất các cả trạm thu phí có lắp đặt ETC trên toàn quốc.

Tính đến ngày 10/12/2020 đã dán được hơn 1 triệu thẻ Etag, trong đó có hơn 50% thẻ đã thường xuyên nạp tiền để sử dụng. Chủ phương tiện có thể dán thẻ Etag tại các Trung tâm đăng kiểm, trạm thu phí, trạm dừng nghỉ, các đại lý của nhà cung cấp dịch vụ...

Trao đổi với PV Dân trí sáng nay (23/12), bà Phan Thị Thu Hiền - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam - cho biết: "Tại tất cả các trạm thu phí chúng tôi đều phân công cán bộ làm việc trực tiếp để đốc thúc và giám sát tiến độ lắp đặt hệ thống thu phí không dừng, kiên quyết đến ngày 31/12 phải vận hành toàn hệ thống".

Cũng theo bà Hiền, doanh nghiệp "chây ì" việc thu phí tự đồng không dừng sẽ hại nhiều hơn lợi. Bởi theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, nếu đến 31/12/2020 mà không lắp đặt xong hệ thống thì sẽ dừng hoạt động của trạm thu phí.

"Nếu trạm thu phí bị dừng thì doanh nghiệp sẽ mất nguồn thu, dòng tiền cạn, doanh nghiệp sẽ bị thiệt hại lớn" - bà Hiền nói và cho biết thêm: "Hiểu rõ vấn đề nên các doanh nghiệp BOT đang rất nỗ lực để hoàn thành dự án đúng hạn".

Đối với 7 trạm thu phí bị "vỡ" tiến độ thuộc 3 địa phương là TP.HCM, Thái Bình và Đồng Nai, bà Hiền cho biết do tình hình đặc thù nên các trạm sẽ không kịp thực hiện trong năm 2020, Tổng cục Đường bộ đã có văn bản báo cáo Bộ GTVT để Bộ xin ý kiến Thủ tướng xem xét giải quyết.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ việc thu phí không dừng góp phần bảo đảm minh bạch, quản lý tốt doanh thu và yêu cầu Bộ GTVT phải chỉ đạo các nhà đầu tư dự án thu phí tự động quyết liệt đẩy nhanh tiến độ lắp đặt thiết bị thu phí tại các trạm theo đúng kế hoạch, bảo đảm đến ngày 31/12/2020 đưa vào hoạt động đồng bộ trên cả nước.

"Các nhà đầu tư BOT khẩn trương phối hợp với nhà cung cấp dịch vụ thu phí không dừng để lắp đặt thiết bị thu phí tự động, trường hợp đến 31/12/2020 chưa vận hành trạm thu phí tự động thì Bộ GTVT quyết định dừng hoạt động theo đúng quy định của pháp luật" - Thủ tướng kiên quyết.

Châu Như Quỳnh