Những này qua, nhiều độc giả báo VietNamNet thắc mắc vì sao giá dầu 70 USD/thùng vào đầu năm 2020, xăng bán với giá 20.000 đồng/lít. Nhưng khi giá dầu giảm hơn một nửa, xuống còn 30 USD/thùng, thậm chí gần đây giảm còn hơn 20 USD/thùng, giá xăng vẫn hơn 16 nghìn đồng/lít.
Từ đó, nhiều người cho rằng giá xăng dầu Việt Nam đã không giảm tương xứng như mức giảm của giá dầu trên thế giới.
Vậy, đâu là lý do khiến giá xăng dầu Việt Nam “lạc nhịp” như vậy? Để có so sánh tương quan, cần lấy giá thành phẩm xăng dầu làm căn cứ so sánh, thay vì giá dầu thô.
Giá xăng giảm 5 lần liên tiếp, chạm đáy 2,5 năm
15 ngày đầu tháng 1/2020 là khoảng thời gian ghi nhận mức giá xăng dầu cao nhất trong 3 tháng đầu năm 2020.
Tại kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 15/1, giá xăng RON 92 trên thị trường Singapore - xăng nền để pha chế xăng E5 - có mức giá xấp xỉ 72 USD/thùng, còn RON 95 có mức giá hơn 74,3 USD/thùng.
Do đó, trong kỳ điều hành ngày 15/1, xăng E5 có giá không cao hơn 19.845 đồng một lít, xăng RON 95 không cao hơn 20.913 đồng.
Từ đó đến nay, giá xăng dầu liên tục giảm theo đà lao dốc của giá dầu thô trên thị trường thế giới.
Đỉnh điểm là tại kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 15/3 vừa qua, giá xăng RON 92 chỉ còn trrung bình 48,69 USD/thùng (giảm 23,31 USD/thùng, tương đương giảm 32,4% so với ngày 15/1), RON 95 giảm còn 50,3 USD/thùng (giảm 24 USD/thùng, tương đương giảm 32,3% so với ngày 15/1).
Nhờ đó, giá xăng E5 giảm chỉ còn 16.056 đồng/lít; xăng RON95-III không cao hơn 16.812 đồng/lít.
Như vậy, so với mức giá ngày 15/1, giá xăng E5 đã giảm gần 3.800 đồng/lít, tương ứng giảm 19,1% Còn xăng RON 95 giảm hơn 4.000 đồng/lít, tương đương 19,6%.
Cho nên, thắc mắc của nhiều người là có lý do. Bởi giá xăng RON 92 trên thị trường thế giới giảm 32,4% nhưng giá xăng E5 trong nước lại chỉ giảm 19,1%. Còn xăng RON 95 trên thị trường thế giới giảm 32,3% nhưng trong nước lại chỉ giảm 19,6%.
Lý do là bởi từ đầu năm đến nay, liên Bộ Công Thương - Tài chính đã phải liên tục trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu, để có dư địa đề phòng khả năng giá xăng dầu thế giới bật tăng trở lại.
Từ đầu năm đến nay, tổng cộng mức trích Quỹ bình ổn với xăng E5 qua 5 kỳ điều hành là 600 đồng/lít. Với xăng RON 95 là 2.800 đồng/lít. Dầu diesel là 2.800 đồng/lít, dầu hỏa là 2.700 đồng/lít, dầu mazut là 600 đồng/kg. (Nếu không trích Quỹ, giá xăng E5 lúc này có thể chỉ còn hơn 15.400 đồng/lít, xăng RON 95 chỉ còn hơn 14.000 đồng/lít).
Đây là một phần lý do khiến cho giá xăng dầu trong nước không giảm nhiều như mức lao dốc của mặt hàng này trên thị trường thế giới. Đó cũng là “đặc thù” của giá xăng dầu ở Việt Nam khi vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước. Trong đó, xăng dầu là mặt hàng thuộc diện bình ổn giá, được điều hành trên cơ sở Luật giá và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu. Quỹ bình ổn giá đóng vai trò như một chiếc van để đóng mở giá xăng dầu trước những biến động trên thị trường thế giới. Nếu giá thế giới tăng “sốc”, Quỹ này sẽ được xả để kiềm chế mức tăng của giá xăng dầu trong nước.
Mặt khác, chu kỳ điều hành giá xăng dầu trong nước là 15 ngày một lần, cho nên mức giảm (hay tăng) giá xăng dầu luôn có sự lệch pha so với thị trường thế giới. Cơ sở để điều chỉnh giá xăng dầu cũng lấy giá trung bình của 15 ngày. Do đó, có thời điểm giá xăng dầu thế giới giảm mạnh, nhưng trong nước chưa đến kỳ điều chỉnh, khiến cho nhiều người có cảm giác “bị mua đắt”.
Trường hợp những ngày gần đây là ví dụ. Giá xăng RON 92 và RON 95 trên thị trường quốc tế tiếp tục giảm mạnh, chỉ còn dưới 30 USD/thùng nhưng người dân sẽ phải đợi đến chu kỳ điều hành giá xăng dầu vào cuối tháng 3 này thì mới được hưởng mức giá thấp hơn.
Những lý do trên khiến cho giá xăng dầu luôn có sự “lạc nhịp” nhất định với thị trường thế giới. Đó là lý do từ nhiều năm nay, đã có nhiều ý kiến đề nghị sửa đổi cơ chế giá xăng dầu nói trên, để giá cả mặt hàng này tiệm cận hơn với mức dao động của thị trường quốc tế.
Theo Lương Bằng
VietnamNet