Không để vốn rẻ chảy vào các lĩnh vực đầu cơ tài sản
Thảo luận tại Quốc hội ngày 8/11, nhiều đại biểu quan tâm, nêu góp ý đối với gói phục hồi trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do Covid-19.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho biết, qua 4 tháng nghiêm ngặt giãn cách phòng chống dịch, kinh tế Việt Nam đã bị ảnh hưởng nặng nề. Nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa và hàng nghìn lao động mất việc làm, rời bỏ các trung tâm kinh tế hồi hương.
"Điều đó cho thấy rằng sức chống chịu của nền kinh tế rất yếu và tiềm lực của các doanh nghiệp đã suy kiệt", đại biểu Cường trăn trở.
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) thảo luận tại hội trường (Ảnh: Quốc Chính).
Để kinh tế Việt Nam không bị lỡ nhịp đà phục hồi kinh tế thế giới, đại biểu Cường cho rằng các doanh nghiệp không chỉ cần có thêm nguồn lực để phục hồi trở lại mà còn phải vượt lên, đặt chân vào khâu sản xuất có giá trị cao, trong bối cảnh thế giới đang phân bố lại chuỗi cung ứng.
Muốn vậy theo đại biểu, các doanh nghiệp cần phải được tăng thêm nguồn lực đầu tư từ các nguồn vốn giá rẻ và các đơn đặt hàng từ chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế của Chính phủ.
Từ thực tế nêu trên, đại biểu đưa ra một số kiến nghị. Thứ nhất, cần có chính sách cấp bù lãi suất của để các doanh nghiệp được vay với mức lãi suất tương đương tỷ lệ lạm phát. Vì hoạt động kinh doanh sau đại dịch còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, mức lợi nhuận khó bù đắp chi phí lãi vay cao.
Trong khi đó các tổ chức tín dụng phải duy trì mức lãi suất đảm bảo kinh doanh và tăng trích lập dự phòng rủi ro trong bối cảnh nợ xấu đang tiềm ẩn gia tăng.
"Nếu ngân sách dành ra 30 đến 40 nghìn tỷ đồng để cấp bù lãi suất thì các doanh nghiệp có thêm khoảng triệu tỷ tiền vốn lãi suất thấp để phục hồi và phát triển", ông Cường nói.
Tuy nhiên ông Cường cũng lưu ý, đi kèm theo đó, phải có cơ chế kiểm soát để tất cả các doanh nghiệp có nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh đều được tiếp cận nguồn vốn giá rẻ.
"Không để tiền vay ngân hàng chạy vòng quanh thành tiền gửi để kiếm lời từ chênh lệch lãi suất, cũng không để tiền vốn giá rẻ chảy vào các lĩnh vực đầu cơ tài sản", đại biểu nhấn mạnh.
Cần giải pháp khác biệt thay vì kích cầu truyền thống
Thứ hai theo đại biểu Hoàng Văn Cường, bên cạnh giải pháp kích cầu truyền thống là đẩy mạnh các hoạt động đầu tư công mà Chính phủ đang chỉ đạo, cần phải có giải pháp khác biệt là đặt hàng để doanh nghiệp trong nước đầu tư, phát triển các sản phẩm ưu tiên, tạo ra những đột phá cho phát triển.
Có 3 lĩnh vực Chính phủ cần ưu tiên đặt hàng, theo đề xuất của đại biểu Cường.
Đầu tiên là về đường sắt, những đô thị lớn ở Việt Nam đang rất cần phát triển các tuyến đường sắt đô thị. "Chúng ta không thể cứ đi vay tiền để thuê các nhà đầu tư nước ngoài xây dựng từng tuyến đường sắt đô thị riêng lẻ. Hệ lụy không chỉ là những vướng mắc nhãn tiền như vừa qua, mà còn để lại hậu quả lâu dài do tính không đồng bộ, thiếu khả năng kết nối và mãi mãi phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài", đại biểu Cường nêu vấn đề.
Theo đại biểu Cường, nếu được Chính phủ đặt hàng và cam kết dành thị phần, các nhà đầu tư trong nước sẽ hợp tác hoặc mua lại công nghệ của nước ngoài, kết hợp với việc ứng dụng các thành tựu của cách mạng 4.0, chúng ta sẽ có ngành công nghiệp đường sắt hiện đại của riêng mình, không phải nghĩ đến chuyện đi mua những đoàn tàu cũ đã bỏ đi của nước khác.
Thứ hai về kinh tế biển. Đại biểu Cường cho rằng đây là lĩnh vực còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác. Chính phủ cần đặt hàng hình thành nên Tổ hợp đầu tư phát triển công nghiệp hậu cần vận tải biển, bắt tay, kết nối với các cảng quốc tế bên bờ Tây Thái Bình Dương để biến Vân Phong trở thành trung tâm chung chuyển vận tải biển quốc tế có lợi thế không thua kém Singapore và tiện lợi hơn nhiều các cảng khu vực đông Bắc Thái Bình Dương.
Thứ ba theo đại biểu Cường, Việt Nam cần có hạ tầng công nghệ số của riêng mình để đi trước trong chuyển đổi số. Nếu được Chính phủ đặt hàng, đội ngũ kỹ sư tin học và công nghệ của Việt Nam thừa sức phát triển được các sản phẩm để khẳng định vị thế của Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ số.
Vấn đề đặt ra là, nguồn lực từ đâu để hỗ trợ lãi suất và đặt hàng cho các dự án đầu tư đột phá?
Trả lời câu hỏi này, đại biểu Cường cho biết, chúng ta may mắn khi đang có dư địa rất lớn để tăng nguồn lực từ khi tỷ lệ nợ công khá thấp là 43,7% so với mức trần giới hạn là 60% GDP. Do vậy, nên điều chỉnh tăng mức bội chi ngân sách tăng thêm 2-3% so với kế hoạch đặt ra, trong vòng 2 đến 3 năm, chúng ta sẽ có đủ nguồn lực để thực hiện các kế hoạch phục hồi và đầu tư bứt phá.
"Việc tăng nợ công để có tiền trợ cấp toàn dân như một số nước trên thế giới sẽ là không phù hợp đối với điều kiện nền kinh tế Việt Nam. Việc vay nợ không phải cho tiêu dùng, mà để tăng đầu tư, tạo ra những đột phá cho phát triển là điều thường được lựa chọn", vị đại biểu Quốc hội nêu.
Cũng theo đại biểu Cường, phát hành trái phiếu Chính phủ để vay nợ là giải pháp nên được lựa chọn không chỉ khai thác nguồn lực đầu tư trong nước mà còn có tác dụng hút dòng tiền nhàn rỗi, góp phần kiểm soát lạm phát.
Nguyễn Mạnh