Fica
  1. Thời sự

"Không làm không sai, làm nhiều, sai nhiều vì... quy định, quy trình"

Bài lấy lại
Bài lấy lại

"Nhiều người không làm sẽ không sai phạm, người làm nhiều lại dính khuyết điểm vì không đúng quy trình. Chúng ta phải làm chính sách để khuyến khích những người dám làm, dám cống hiến vào Nhà nước, chứ không phải để người ta vào Nhà nước để yên thân..."

Lời của Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, chuyên gia kinh tế, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nói với báo Dân Trí nhân chủ đề: Quan chức cầu an, lãnh đạo doanh nghiệp cầu thân khiến nền kinh tế có nguy cơ trì trệ.

Không làm không sai, làm nhiều, sai nhiều vì... quy định, quy trình - 1

Dân Trí xin trích đăng cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Cung, quanh chủ đề nói trên nhằm cung cấp đến bạn đọc một góc nhìn mới, đa chiều hơn về một vấn đề sợ sai, cầu an đã và đang hình thành trong không ít người hiện nay.

Là người tiếp xúc khá nhiều giới, cả giới lãnh đạo, doanh nghiệp, người dân, ông có thấy xu hướng trì trệ trong các hoạt động kinh tế ở Việt Nam hay không?

Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, chuyên gia kinh tế, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng

- Đúng là có hiện trạng lãnh đạo không dám làm gì cả hoặc có muốn làm thì cũng phải đi hỏi ý kiến rất nhiều người. Khi hỏi ý kiến xong, họ chưa chắc đã quyết.

Không quyết sẽ dẫn hệ luỵ không thực hiện. Chủ yếu việc không thực hiện này nằm ở doanh nghiệp Nhà nước, khu vực nhà nước, vấn đề đất đai, xây dựng, vấn đề về đầu tư, tạo tài sản, năng lực sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế.

Theo tôi, nguyên nhân một phần là dư âm cuộc chống tham nhũng nhiều quan chức dính sai phạm, khiến không ít người sợ sai, không dám làm gì vì sợ gây thất thoát tài sản, gây hậu quả nghiêm trọng. Cuộc chống tham nhũng đang rất được ủng hộ, có kết quả và cũng vô tình khiến nhiều người chột dạ.

Về mặt khách quan theo tôi luật pháp của Việt Nam còn chồng chéo. Ví dụ vấn đề liên quan đến đầu tư, đất đai xây dựng có nhiều chính sách ban hành ở nhiều thời điểm khác nhau nên có sự trùng lặp, thậm chí mâu thuẫn nhau.

Một dự án đầu tư phải áp dụng nhiều luật dễ đúng luật này lại sai luật khác và hiện tượng này lúc nào cũng có thể xảy ra.

Nói như vậy thì chúng ta đổ cho các sai phạm của cá nhân là do luật pháp? do cơ chế?

- Luật pháp cũng do con người tạo ra, nên chồng chéo mâu thuẫn luật pháp thì phải sửa đổi. Những vi phạm cá nhân, khuyến điểm do chủ quan thì không nói, còn ở đây tôi nói vấn đề tồn tại trong quy định, luật pháp dễ dẫn đến rủi ro cho người ra quyết định.

Trong quá trình làm việc, lãnh đạo quyết đến hàng trăm dự án nhưng có 1-2 dự án sai quy định, khi bị thanh tra, dường như không ai soi dự án thành công. Đầu tư kinh doanh luôn có thành công và thất bại. Thành công không tính nhưng thất bại luôn bị tìm ra.

Tôi biết có nhiều lãnh đạo không có động cơ cá nhân, tham nhũng, chỉ muốn công việc được giải quyết để đóng góp vào sự phát triển. Nhưng luật pháp trói chân họ.

Hệ thống luật pháp của Việt Nam, có những thứ được chỉ rõ chồng chéo, cát cứ, mâu thuẫn không cần thiết thì cần được bỏ đi để những người có tài thoải mái làm việc, không lo sợ phạm luật.

Ông nói đến việc "đi xin vòng vo" các chính sách, hỏi ý kiến nhiều bên, phải chăng cán bộ của chúng ta yếu năng lực, hay muốn phân tán rủi ro?

- Hiện nay, cái gì Nhà nước cũng quyết như đất đai, xây dựng... cần thay đổi một cách nhanh chóng. Bên cạnh đó, khi đã chọn cán bộ, phải tin đội ngũ cán bộ, khuyến khích năng động, sáng tạo, cách khác biệt để có hiệu quả cao hơn và tạo động lực để họ làm như thế.

Với đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước hãy để tự doanh nghiệp quyết định, để cho họ tự chủ kinh doanh, Nhà nước đừng can thiệp quá nhiều. Đến mức một ông Chủ tịch Hội đồng quản trị không có thẩm quyền gì để quyết định đầu tư.

Nếu như cái gì cũng phải đi xin, đúng quy định, quy định thì sẽ làm triệt tiêu sáng tạo, sự chủ động và triệt tiêu những ý tưởng đổi mới bộ máy và cách làm.

Ví dụ, dự án mở rộng Sân bay Tân Sơn Nhất, một dự án cụ thể gần hết nhiệm kỳ chưa xong. Hay dự án sân bay Long Thành cũng trong tình trạng tương tự. Nếu ở các nước khác, có thể bây giờ đã xong rồi, chứ không phải bàn chưa xong như ở ta. Nếu không đưa quyết định sớm sẽ kéo theo chuỗi kìm hãm nhau.

Quy định, pháp luật chồng chéo, mâu thuẫn như vậy, theo ông nên phân loại sai phạm theo cách cố ý hoặc vô tình phạm luật hay không? Có nên truy trách nhiệm những người vì việc công mà sai quy định, quy trình?

- Các vụ án phải xử lý nhưng ai sai đến đâu thì xử lý đến đó và cũng phải nhìn ở góc độ sâu xa là luật lệ của Việt Nam còn chưa hoàn thiện.

Cải cách của chúng ta hiện nay là cái cũ không bỏ đi được mà cái mới không cho xuất hiện nên bộ máy trì trệ.

Theo tôi, hệ thống luật pháp hiện đại thì mọi cái đừng làm theo quy trình. Quan trọng đánh giá về lãnh đạo phải ở trách nhiệm giải trình và thành tích đã đạt được hơn là đánh giá theo cách họ làm đúng theo quy trình hay không.

Nhiều người không làm, không sai phạm nhưng người làm lại dính sai phạm vì không đúng quy trình. Chúng ta phải làm chính sách để khuyến khích những người dám làm, dám cống hiến vào Nhà nước, chứ không phải để người ta vào Nhà nước để yên thân..

Thể chế nào cán bộ, con người đó, khi chưa tạo ra động lực khuyến khích trọng dụng người tài, đánh giá đúng mức cho họ chỉ ở mức đúng quy trình sẽ tìm kiếm được người ít động lực, yên phận hơn. Bộ máy chúng ta đang có những con người như thế.

Là người trung lập, ông nghĩ sao về câu "trên nóng", "dưới lạnh", hoặc "trên nóng", "dưới nóng", "giữa lạnh". Phải chăng, trong hệ thống hành pháp, thực thi công vụ, vẫn có điểm nghẽn đâu đó mà chúng ta chưa có phương cách đặc trị để các chính sách, Nghị quyết, Nghị định của Đảng, Chính phủ đi vào cuộc sống?

- Hiện nay, cấp trên, cấp dưới, đặt biệt tỉnh thành phố trung ương hay phàn nàn về cán bộ, nói các Bộ không có động lực làm việc và rất trì trệ. Đây không phải người bình thường mà là Chủ tịch, Bí thư nói với chúng tôi.

Tôi biết một Phó Chủ tịch tỉnh rất vất vả đi xin ở các Bộ về dự án này, cấp phép kia và họ sợ nhất phải đi xin các bộ vì xin bộ chưa biết khi nào được.

Nhiều địa phương, lãnh đạo năng động sáng tạo không còn thủ tục hành chính, trì hoãn, trì trệ. Bởi, hiện các chủ tịch, bí thư tỉnh gắn với nền kinh tế địa phương, nên họ áp lực thay đổi, làm việc để cạnh tranh với các địa phương khác. Còn ở các bộ không nhìn thấy động lực vì họ không sát với lợi ích nào mà họ bị áp lực làm nhanh và thay đổi.

Hơn nữa, mọi chính sách đều ở các bộ ban hành, nên thay đổi ở đây phải ở các Bộ trưởng, trưởng ngành. Đầu tiên là tư duy chính sách, lắng nghe và thay đổi cách quản lý trong nội bộ của mình.

Trân trọng cảm ơn ông!

Nguyễn Tuyền

(Thực hiện)

Không làm không sai, làm nhiều, sai nhiều vì... quy định, quy trình - 2

Tin liên quan