Fica
  1. Thời sự

Khốn đốn vì Covid-19, hộ kinh doanh nào nằm trong diện được nhận hỗ trợ?

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Đối tượng là hộ kinh doanh cá thể sẽ nằm trong diện được hỗ trợ do tác động của Covid-19 nếu có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm. Số tiền được nhận hỗ trợ là 1 triệu đồng/tháng.

Khốn đốn vì Covid-19, hộ kinh doanh nào nằm trong diện được nhận hỗ trợ? - 1

Hộ kinh doanh cá thể, nông dân và người lao động tự do là những đối tượng gặp khó khăn nhất trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay vì họ không có nhiều nguồn lực...

Hơn 60 nghìn tỷ đồng hỗ trợ cho hàng triệu đối tượng khó khăn

Trong một báo cáo mới đây, Chính phủ cho biết dịch Covid-19 đã và đang tác động toàn diện đến nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế.

Trong đó, nhiều doanh nghiệp buộc phải tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô, một bộ phận lao động phải ngừng việc, thất nghiệp.

Theo ước tính sơ bộ, 19% doanh nghiệp đã tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô, 98% lao động khu vực du lịch, dịch vụ nghỉ việc, 78% lao động vận tải, dệt may da giày bị giảm việc, giãn việc hoặc ngừng việc; 98% lao động hàng không tạm nghỉ việc...

Dự báo trong tháng 4, tháng 5 nếu dịch bệnh còn phức tạp ước khoảng 2 triệu lao động mất việc; nếu dịch bệnh bùng phát khoảng 3,5 triệu lao động mất việc làm.

Trước những tác động lớn từ đại dịch, Chính phủ đã đề xuất gói hỗ trợ cho 20 triệu người bị ảnh hưởng với tổng số tiền là hơn 60 nghìn tỷ đồng. Thời gian được hỗ trợ sẽ kéo dài trong 3 tháng.

Trong số này, đối tượng là hộ kinh doanh cá thể cũng sẽ nằm trong diện được hỗ trợ nếu có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm, tạm ngừng kinh doanh vì Covid-19. Số tiền được nhận hỗ trợ là 1 triệu đồng/tháng.

Ngoài ra, người sử dụng lao động trả lương ngừng việc cho người lao động theo khoản 3 điều 98 của luật Lao động, trường hợp khó khăn về tài chính được vay không có tài sản đảm bảo tối đa 50% của tiền lương tối thiểu vùng với lãi suất 0% tại Ngân hàng Chính sách xã hội.

Hộ kinh doanh lao đao mùa dịch, vốn mỏng khó trụ

Kinh tế hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh là một trong những lực lượng quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2019, cả nước có hơn 5,6 triệu hộ kinh doanh cá thể, gấp 8 lần số lượng doanh nghiệp.

Lực lượng lao động trong khu vực này cũng chiếm rất lớn. Do vậy, các chuyên gia cho rằng động thái hỗ trợ khu vực này nhằm giảm bớt khó khăn trước tác động của đại dịch là cần thiết.

Ông Nguyễn Duy Hưng – Chủ tịch Công ty Chứng khoán SSI cho rằng hộ kinh doanh cá thể, nông dân và người lao động tự do là những đối tượng gặp khó khăn nhất trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay vì họ không có nhiều nguồn lực, không sở hữu tài nguyên.

“Cuộc sống ổn định của họ là nền tảng vững chắc của xã hội”, ông Hưng nói. Nếu diễn biến dịch bệnh nếu kéo dài thêm nhiều tháng nữa, ông Hưng cho rằng sẽ vô cùng bi đát bởi tài chính dự phòng của họ rất hạn hẹp.

Theo tìm hiểu thực tế của PV, sau hơn 3 tháng hoành hành, dịch Covid-19 đã và đang tác động mạnh đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong đó đối tượng bị ảnh hưởng “ngay và luôn" chính là các hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn Hà Nội hay một số thành phố khác có chi phí đắt đỏ như TP.HCM...

Ngay từ hồi giữa tháng 2 đến đầu tháng 3, tại thời điểm Chính phủ chưa thực hiện các biện pháp về “cách ly xã hội” thì nhiều cửa hàng đã phải trả mặt bằng, tạm ngừng kinh doanh vì khó khăn. Một làn sóng trả mặt bằng xuất hiện trên nhiều tuyến phố.

Một số khác tìm đủ cách xoay xở, chuyển hướng hoạt động. Nhiều đường phố Hà Nội bình thường vốn vô cùng đắc địa để kinh doanh bất ngờ rơi cảnh đìu hiu, vắng vẻ vì dịch.

La liệt cửa hàng đóng cửa, trả mặt bằng ở con phố sầm uất bậc nhất Hà Nội

“Tuy nhiên nếu theo điều kiện được hỗ trợ thì những đối tượng kinh doanh buôn bán trên những con phố này khó có thể nhận được hỗ trợ trực tiếp (với mức hỗ trợ 1 triệu đồng) bởi theo điều kiện để nhận được thì doanh thu phải dưới 100 triệu đồng/năm. Với đối tượng hộ kinh doanh cá thể có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm chủ yếu là những hộ buôn bán rất nhỏ lẻ, manh mún", một chuyên gia kinh tế nhận xét.

Theo vị này, đối với đại đa số đối tượng làm kinh doanh, có lẽ điều họ cần vẫn là những hỗ trợ mang tính căn cơ như: Kiểm soát dịch bệnh, ổn định kinh doanh, giảm giá mặt bằng, giảm các chi phí đầu vào như điện nước, thuế phí và những hỗ trợ về lãi suất...

Theo chuyên gia, việc hỗ trợ các đối tượng bị tác động do dịch Covid-19 mà Chính phủ đưa ra cơ bản là hợp lý. Tuy nhiên, cần đảm bảo sự công khai, minh bạch, hỗ trợ đúng đối tượng, tránh bị xảy ra trục lợi chính sách…

Nguyễn Mạnh

Tin liên quan