Fica
  1. Thời sự

Khai mạc kỳ họp 7: Những con số báo cáo Quốc hội

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Phiên khai mạc kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XIV sáng 20/5, Quốc hội nghe hàng loạt báo cáo về tình hình kinh tế xã hội, thực hiện kế hoạch ngân sách, nghe báo cáo tổng hợp kiến nghị cử tri… Rất nhiều những con số được nêu trong các bản báo cáo, đều là những con số biết nói.

Báo cáo quan trọng đầu tiên sẽ được lãnh đạo Chính phủ trình bày ngay sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội là báo cáo về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2018 và tình hình triển khai Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2019.

Theo thông lệ tại kỳ họp giữa năm, Phó Thủ tướng thường trực sẽ thay mặt Chính phủ trình Quốc hội báo cáo này. Đây cũng là báo cáo sẽ được dành thời lượng nhiều nhất trong các phiên thảo luận tại tổ, tại hội trường (truyền hình trực tiếp để cử tri cả nước theo dõi) trong kỳ họp.

Khai mạc kỳ họp 7: Những con số báo cáo Quốc hội - 1

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XIV dự kiến diễn ra từ 20/5 tới 14/6/2019.

Giới thiệu chương trình kỳ họp thứ 7, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, bản báo cáo số 171 ngày 6/5/2017 có những con số bổ sung cho thấy, việc mục tiêu kế hoạch phát triển KT - XH năm 2018 được hoàn thành, đạt kết quả tương đối toàn diện trên các lĩnh vực, hoàn thành toàn bộ 12/12 chỉ tiêu Quốc hội giao khẳng định vai trò là năm bản lề trong kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2016-2020. Trong đó có 3 chỉ tiêu đạt và 9 chỉ tiêu vượt mục tiêu kế hoạch, tăng thêm 1 chỉ tiêu vượt kế hoạch so với số đã báo cáo Quốc hội là chỉ tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP).

Trong quý I/2019, tình hình KT - XH vẫn giữ được xu thế tích cực, tốc độ tăng Tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt khá, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, tạo nền tảng quan trọng để cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển các ngành, lĩnh vực và đảm bảo an sinh xã hội.

Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực. Các chỉ số tài chính, tiền tệ, lãi suất nhìn chung ổn định. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, doanh nghiệp thành lập mới tăng cao. Cán cân thương mại hàng hóa duy trì xuất siêu, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 81% so với cùng kỳ năm 2018, tỷ lệ thất nghiệp có xu hướng giảm…

Đó tất nhiên là những con số đẹp, tích cực, đáng vui mừng.

Nhưng cũng có những con số trong bản báo cáo này từng gây tranh cãi. Ít ngày trước khi kỳ họp thứ 7 diễn ra, UB Thường vụ Quốc hội cũng đã có phiên họp thứ 34 để xem xét một số nội dung chuẩn bị cho kỳ họp Quốc hội, trong đó có buổi thảo luận về bản báo cáo số 171 của Chính phủ.

Tại  báo cáo này, Chính phủ nhắc lại thành tích, trong năm 2018, Ngân hàng Thế giới đã khẳng định, Việt Nam nằm trong số 10 hệ thống giáo dục hàng đầu của thế giới tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, có sự phát triển thực sự ấn tượng… Con số 1 trong 10 hệ thống giáo dục hàng đầu này từng gây “sóng” tại phiên họp thẩm tra báo cáo tình hình kinh tế - xã hội của UB Kinh tế. Và tại phiên họp của UB Thường vụ Quốc hội, chỉ số “đẹp” này cũng khiến lãnh đạo Quốc hội băn khoăn.

“Nói Việt Nam là 1 trong 10 hệ thống giáo dục hàng đầu của thế giới tại khu vực Đông Á – Thái Bình Dương thì chính tôi cũng rất khó hiểu” – Chủ nhiệm UB Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình thốt lên. Ông thông tin, ý kiến trao đổi một cách không chính thức của Bộ GD – ĐT với UB Văn hoá, Giáo dục thì dường như việc dịch “danh hiệu” này chưa chuẩn, nên hiểu Việt Nam được ghi nhận là 1 trong 10 hệ thống giáo dục có tiến bộ nhất của thế giới thì đúng hơn.

Đến thời điểm này băn khoăn nêu ra xung quanh con số “top 10 hệ thống giáo dục hàng đầu” vẫn chưa được làm rõ và nhiều khả năng con số đó còn trở lại trong các phiên thảo luận tại kỳ họp này của Quốc hội.

Cũng nằm trong hệ thống các báo cáo gửi tới Quốc hội sát ngày khai mạc kỳ họp thứ 7, báo cáo về việc thực hiện các nghị quyết chất vấn của Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân có những con số “đẹp” khác.

Bộ Nội vụ tổng kết số liệu báo cáo kết quả đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức năm 2018 của 19/33 Bộ, ngành ở Trung ương và 45/63 địa phương cho thấy, trong tổng số 284.668 công chức, số hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ: 76.695 người, chiếm tỷ lệ 26,94%. Có 197.377 người hoàn thành tốt nhiệm vụ, chiếm tỷ lệ 69,34%. Số hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực là 6.732 người, chiếm tỷ lệ 2,36%; số không hoàn thành nhiệm vụ là 1.690 người, chiếm tỷ lệ 0,59%.

Tương tự, trong số 1,1 triệu viên chức, cũng chỉ 0,38% không hoàn thành nhiệm vụ, số viên chức xuất sắc là 27,24%, viên chức tốt là 67,08%.

Như vậy, tính chung, có tới 95-97% công chức, viên chức trong bộ máy là tuyệt vời, chỉ số rất nhỏ có thể xem là dư thừa, cần sàng lọc, tinh giản. Những con số chính thức này có khả năng đập tan nghi vấn lâu nay về tỷ lệ “công chức cắp ô” mà chính Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng đề cập với con số 30% cán bộ “không có cũng được”.  

Một vài con số nêu ra đó đều là những số “đẹp”, thứ thường được “trang hoàng” cho các bản báo cáo. Nhưng những số đó, mặt khác, cũng biết gợi… nghi vấn. Tại diễn đàn Quốc hội, không ít lần tính xác thực của các bản báo cáo được nêu ra, mổ xẻ. Cử tri thì luôn mong mỗi con số đều biết nói, với thứ ngôn ngữ chân xác, sinh động…

P.Thảo