Dẫn báo cáo mới được công bố ngày 16/7 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), BVSC cho biết, IMF dự báo GDP Việt Nam năm nay tăng chậm lại, còn 6,5%, thấp hơn mục tiêu 6,8% Chính phủ đưa ra cuối năm ngoái.
Tốc độ này sẽ duy trì sang năm tới và trong trung hạn, phản ánh điều kiện bên ngoài dần kém thuận lợi. Năm ngoái, Việt Nam tăng trưởng 7,1%, cao nhất 10 năm.
Ngoài ra, IMF tính toán lạm phát Việt Nam đạt trung bình 3,5% năm 2018. Số liệu này có thể tăng tốc, lên 3,6% năm nay và 3,8% năm 2020.
Quỹ Tiền tệ quốc tế đánh giá, Việt Nam chịu tác động từ căng thẳng thương mại nhưng nền kinh tế vẫn vững vàng, nhờ thu nhập và tiêu dùng tăng ổn định, mùa màng tốt và sản xuất tăng vọt.
IMF nhận định "Đà tăng trưởng kinh tế mạnh được dự báo kéo dài sang năm 2019, nhờ chi phí lao động cạnh tranh và các yếu tố nền tảng vững chắc khác, trong đó có cấu trúc thương mại đa dạng và nhiều hiệp định thương mại tự do ký kết gần đây. Những điều này đều đang thúc đẩy quá trình cải tổ".
IMF cho rằng kinh tế vững mạnh tạo cơ hội thực hiện nhiều biện pháp cải tổ tham vọng, nhằm cân bằng sân chơi cho doanh nghiệp tư nhân. Cải tổ cũng có thể thu hút đầu tư nhờ giảm thủ tục hành chính, quy trình cấp phép và rào cản thương mại...
Trên thị trường chứng khoán, đóng cửa phiên 17/7, chỉ số VnIndex tăng 0,46 điểm tương đương 0,05% lên 982,57 điểm. Trên sàn HNX, chỉ số HnxIndex đóng cửa ở mức 106,58 điểm, tăng 0,73 điểm tương đương 0,69% so với hôm qua.
Trong rổ Vn30, có 11 mã tăng điểm và 16 mã giảm điểm. Các cổ phiếu có ảnh hưởng tích cực nhất đến VnIndex hôm nay là GAS, VNM và BVH khi đóng góp vào chỉ số lần lượt 0,93, 0,47 và 0,22 điểm tăng. Ngược lại, các cổ phiếu có ảnh hưởng tiêu cực nhất đến VnIndex là VCB, VIC và NVL khi lấy đi của chỉ số lần lượt 0,69, 0,25 và 0,16 điểm.
Thanh khoản trên sàn HSX đạt 140,2 triệu cổ phiếu, tăng so với mức 139,9 triệu của phiên trước. Về diễn biến nhóm ngành, có sự phân hóa giữa các nhóm ngành. Nhóm cổ phiếu bảo hiểm tăng 1,35% nhờ diễn biến tích cực của cổ phiếu BVH khi tăng 1,9% trong phiên hôm nay.
Nhóm cổ phiếu thực phẩm và đồ uống tăng 0,26% nhờ việc VNM và SAB tăng điểm. Ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu ngân hàng giảm 0,22% do ảnh hưởng của việc VPB, VCB, VIB và TCB giảm điểm. Về hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài, khối ngoại có phiên mua ròng thứ 2 liên tiếp trên sàn HSX với giá trị gần 214 tỷ đồng
Thị trường được dự báo sẽ tiếp tục tăng điểm trong một vài phiên kế tiếp với sự hỗ trợ từ hoạt động mua ròng mạnh của khối ngoại. Tuy nhiên, BVSC cũng lưu ý đến khả năng biến động mạnh của thị trường trong phiên kế tiếp do là ngày đáo hạn của hợp đồng tương lại tháng 07 (VN30F1907).
Ngoài ra, việc chỉ số đang tiệm cận vùng kháng cự mạnh 987-992 điểm cũng có thể sẽ khiến thị trường vấp phải áp lực chốt lời và bước vào nhịp điều chỉnh ngắn, trước khi tiếp tục quá trình tăng điểm ngắn hạn.
Về diễn biến các nhóm ngành, các cổ phiếu ngân hàng sẽ tiếp tục có diễn biến khởi sắc để dẫn dắt thị trường. Nhóm dầu khí đang phát đi tín hiệu quay lại xu thế tăng điểm ngắn hạn. Một số nhóm chạy sau như chứng khoán, xây dựng… cũng sẽ tiếp tục tăng điểm.
Nhà đầu tư được khuyến nghị tiếp tục duy trì tỷ trọng danh mục ở mức 50-55% cổ phiếu trong giai đoạn này. Các nhịp điều chỉnh của thị trường vẫn được xem là cơ hội gia tăng tỷ trọng cho các vị thế ngắn hạn, tập trung vào nhóm cổ phiếu bluechips, vốn hóa lớn và các cổ phiếu có kết quả lợi nhuận tích cực trong quý II.
Khi thị trường tiếp cận vùng kháng cự 987-992 điểm, có thể thực hiện bán trading một phần các vị thế ngắn hạn để hiện thực hóa lợi nhuận cho danh mục.
Mai Chi