Fica
  1. Thời sự

Ì ạch giải ngân đầu tư công vốn nước ngoài, oạt bộ ngành địa phương xin trả lại vốn

Bộ Tài chính cho biết theo thống kê chưa đầy đủ thì bộ này đã nhận được đề nghị xin trả lại vốn của các bộ, ngành trung ương là 3.079 tỷ đồng và từ các địa phương 4.724 tỷ đồng.

Áp lực giải ngân đầu tư công vốn nước ngoài còn lớn

Ngày 1/12, Bộ Tài chính tổ chức hội nghị với các bộ ngành, địa phương về tình hình giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài. Hội nghị nhằm rà soát các vướng mắc, làm rõ các nguyên nhân cũng như đề xuất các giải pháp, kiến nghị cụ thể nhằm tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy giải ngân.

Tại hội nghị, đại diện Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) đã trình bày Báo cáo về tình hình giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài 11 tháng đầu năm 2022 và các giải pháp thúc đẩy giải ngân những tháng cuối năm 2022.

Theo báo cáo, mặc dù tình hình có được cải thiện song tỷ lệ giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài còn thấp. Số liệu của Kho bạc Nhà nước cho thấy, kiểm soát chi nguồn vay nước ngoài kế hoạch vốn năm 2022 của các bộ ngành, địa phương đến 30/11/2022 đạt tỷ lệ 34,27% kế hoạch vốn (11.852,2 tỷ đồng), trong đó của bộ ngành đạt 38,38% (4.532 tỷ đồng) và của địa phương đạt 32,14% (7.320 tỷ đồng).

Toàn cảnh Hội nghị tại điểm cầu Bộ Tài chính (Ảnh: BTC).

Lũy kế giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài 11 tháng năm 2022 đạt 26,06% với 9.014 tỷ đồng, trong đó giải ngân của các bộ ngành là 4.154,05 tỷ đồng, đạt 35,17%; giải ngân của các địa phương là 4.860,54 tỷ đồng, đạt 21,34%).

Tỷ lệ giải ngân đầu tư công vốn nước ngoài 11 tháng đầu năm 2022 nói trên gần gấp 3 lần tỷ lệ giải ngân 6 tháng đầu năm 2022 (9,12% kế hoạch vốn), tuy nhiên theo Bộ Tài chính, vẫn thấp hơn hẳn so với kết quả giải ngân nguồn vốn đầu tư công trong nước 11 tháng đầu năm 2022 (đạt khoảng 60% kế hoạch).

Nguyên nhân của tình trạng giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài còn chậm theo Bộ Tài chính, chủ yếu xuất phát từ việc không có khối lượng hoàn thành cho giải ngân từ mọi khâu của quá trình thực hiện dự án như chưa hoàn tất các thủ tục đầu tư, đang thực hiện các thủ tục điều chỉnh dự án; điều chỉnh hiệp định vay hoặc đã hoàn thành thủ tục đầu tư nhưng tổ chức thực hiện các chương trình, dự án chậm.

Đồng thời cũng có nguyên nhân từ việc các chủ dự án chưa tập hợp các kiểm soát chi gửi hồ sơ rút vốn đến Bộ Tài chính hoặc do đặc thù của dự án sử dụng vốn ODA, vay ưu đãi như vướng mắc liên quan đến nhà tài trợ WB áp dụng phương thức giải ngân theo kết quả; Vướng mắc do chậm nhận được ý kiến không phản đối của nhà tài trợ hoặc ý kiến chấp thuận của nhà tài trợ đối với hồ sơ mời thầu.

Không kéo dài vốn vay từ năm 2021 sang năm 2022

Đề cập đến câu chuyện kéo dài vốn năm 2021 sang năm 2022, ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại cho biết, vốn đầu tư công nguồn vốn nước ngoài kế hoạch vốn năm 2021 được kéo dài sang năm 2022 là 5.321 tỷ đồng. Tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn 2021 kéo dài đến 30/11/2022 đạt 23,65%.

“Về vốn cấp phát, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có thể cho kéo dài, còn về vốn vay, quan điểm của Bộ Tài chính là không thể cho kéo dài của năm 2021 sang năm 2022 vì vốn vay liên quan đến bội chi ngân sách nhà nước do Quốc hội phê chuẩn. Nếu cho kéo dài số vay của năm trước sang năm 2022 sẽ đồng nghĩa với việc cộng bội chi của năm 2021 sang năm 2022”, Ông Trương Hùng Long nhấn mạnh.

Một nội dung khác được nhiều bộ ngành, địa phương quan tâm tại hội nghị là vấn đề xin trả lại vốn. Theo bà Mai Thị Thuỳ Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính), việc các địa phương xin trả lại vốn đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tại Nghị quyết số 124, trong đó, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp đề xuất, kiến nghị của các bộ ngành, địa phương khi tăng, giảm vốn để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Bộ Tài chính cũng cho biết đã nhiều lần kiến nghị thực hiện chỉ đạo tại Nghị quyết 124, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định nội dung này. Hiện nay, theo số liệu chưa đầy đủ, Bộ Tài chính đã nhận được đề nghị xin trả lại vốn của các bộ, ngành trung ương là 3.079 tỷ đồng; của các địa phương 4.724 tỷ đồng.

Về ý kiến của một số địa phương về việc nếu có điều chỉnh giảm nguồn vốn đầu tư thì chuyển nguồn vốn này sang cho địa phương khác, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến ngày 24/11/2022, số xin điều chỉnh giảm là 12.803 tỷ đồng của 5 bộ và 47 địa phương. Tuy nhiên, đến nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa nhận được yêu cầu xin bổ sung vốn của bất kỳ địa phương nào. Do đó, Bộ này cho biết không có cơ sở tổng hợp, cân đối, trình báo cáo cấp có thẩm quyền…

Nguyễn Khánh