Fica
  1. Thời sự

Hơn 7,3 tỷ USD hàng Việt xuất sang châu Âu kể từ khi EVFTA có hiệu lực

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Liên minh châu Âu (EU) và Anh trong tháng 8, tháng 9/2020 là hơn 7,3 tỷ USD.

Hơn 7,3 tỷ USD hàng Việt xuất sang châu Âu kể từ khi EVFTA có hiệu lực - 1

Hội nghị Đánh giá công tác thực thi quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU diễn ra tại TPHCM. Ảnh: Đại Việt

Tại hội nghị Đánh giá công tác thực thi quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), đại diện Bộ Công Thương và các hiệp hội cho rằng, các quy định về quy tắc xuất xứ, các tiêu chuẩn về phát triển bền vững là những yếu tố quan trọng “sống còn” đối với doanh nghiệp Việt khi đưa hàng hóa vào châu Âu.

Bà Phan Thị Thanh Xuân - Tổng thư ký Hiệp hội Da giày túi xách Việt Nam - cho biết: Thách thức của ngành da giày hiện nay chính là việc thiếu hụt nguyên liệu. Đa phần nguyên phụ liệu của mặt hàng da giày đều phải nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan…

Nếu doanh nghiệp da giày không chủ động được nguồn nguyên liệu sản xuất để đảm bảo quy tắc xuất xứ thì rất khó xuất khẩu được hàng hóa sang châu Âu. Đây là một trong những “nút thắt” lớn của ngành da giày.

“Việt Nam bị thiếu hụt nguồn nguyên liệu, trong khi đó các thị trường cạnh tranh trực tiếp với ngành da giày của chúng ta như Trung Quốc, Indonesia hay Bangladesh lại đang có lợi thế về nguyên liệu.

Ngoài ra, muốn hàng hóa vào được châu Âu thì doanh nghiệp cũng cần đáp ứng được các tiêu chuẩn về phát triển bền vững. Tuy nhiên, để đáp ứng được các tiêu chuẩn này thì doanh nghiệp sẽ phải tốn chi phí rất lớn” - bà Xuân nói.

Hơn 7,3 tỷ USD hàng Việt xuất sang châu Âu kể từ khi EVFTA có hiệu lực - 2

Nguyên liệu là bài toán nan giải của ngành da giày. Ảnh: Đ.V

Cũng theo bà Xuân, ngoài những tiêu chuẩn nói trên thì các doanh nghiệp da giày cũng cần đáp ứng các tiêu chuẩn về lao động, không sử dụng lao động trẻ em và đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường khi đưa hàng hóa vào EU.

“Thị trường EU là một miếng bánh. Tuy nhiên, có bánh nhưng chúng ta chưa chắc đã ăn được” - bà Xuân chia sẻ.

Đồng quan điểm với bà Xuân, ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) - cho rằng: Các quy tắc về xuất xứ, phát triển bền vững, an toàn cho môi trường là những vấn đề quan trọng bậc nhất khi mặt hàng thủy sản Việt Nam vào thị trường EU.

Theo ông Hòe, kể từ tháng 8/2020, mặt hàng tôm xuất khẩu sang EU đã tăng rất mạnh với mức bình quân 15% so với thời điểm trước khi EVFTA có hiệu lực.

“Bộ Công Thương đã tháo gỡ nhiều vướng mắc trong quá trình xuất khẩu của các doanh nghiệp. Các quy định về chứng nhận xuất xứ đã được Bộ làm kịp thời, có điều khoản cụ thể tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình xuất khẩu. Đơn cử như Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu EUR.1 bị đối tác phản hồi không đúng màu thì ngay lập tức Bộ Công Thương đã có phản hồi để tháo gỡ cho chúng tôi” - ông Hòe nói.

Hơn 7,3 tỷ USD hàng Việt xuất sang châu Âu kể từ khi EVFTA có hiệu lực - 3

Thủy sản đang có "bước đà" rất tốt tại thị trường EU. Ảnh: Đ.V

Theo ông Trần Quốc Khánh - Thứ trưởng Bộ Công Thương: Trong 2 tháng qua, doanh nghiệp đang rất quan tâm đến thị trường EU. Tuy nhiên, việc thâm nhập thị trường EU chưa bao giờ là dễ dàng, bởi doanh nghiệp Việt cần đáp ứng nhiều quy định khác về các “hàng rào” phi thuế quan của EU, trong đó có quy định về xuất xứ hàng hoá.

Ông Khánh nhận định, doanh nghiệp muốn tiếp cận thị trường EU cần được tập huấn, hướng dẫn về cách xác định xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định EVFTA và quy trình, thủ tục cấp C/O mẫu EUR.1. Việc này nhằm giúp doanh nghiệp hiểu rõ về quy tắc xuất xứ của hiệp định và tận dụng tối đa ưu đãi từ EVFTA.

Doanh nghiệp cũng cần tìm hiểu thị hiếu của người tiêu dùng EU và những thông tin chung của thị trường này.

“Chúng tôi mong muốn được lắng nghe nhiều ý kiến phản ánh vướng mắc thực tế của doanh nghiệp và đề xuất giải pháp khắc phục những khó khăn, hạn chế khi thực hiện Quy tắc xuất xứ hàng hoá theo Hiệp định EVFTA. Việc này nhằm đảm bảo cho công tác thực thi và tận dụng hiệu quả các lợi thế từ hiệp định” - Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nói.

Hơn 7,3 tỷ USD hàng Việt xuất sang châu Âu kể từ khi EVFTA có hiệu lực - 4

Doanh nghiệp cần tìm hiểu rõ các tiêu chuẩn, quy tắc để nắm bắt cơ hội đưa hàng hóa vào châu Âu. Ảnh: Đ.V

Cũng theo ông Khánh, Bộ Công Thương đề nghị các cơ quan liên quan cũng như các địa phương cùng phối hợp tiếp tục phổ biến về cơ chế, chính sách của Chính phủ, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan đến xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU. Kịp thời có hướng dẫn, giải đáp quy định về Quy tắc xuất xứ hàng hoá trong Hiệp định EVFTA để các địa phương, các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp xuất khẩu có kế hoạch kinh doanh phù hợp, đáp ứng đúng yêu cầu của thị trường, qua đó nâng cao hiệu quả xuất khẩu trong thời gian tới.

Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU đã tăng đáng kể kể từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực (1/8/2020).

Tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU và Anh trong tháng 8/2020 đạt 3,77 tỷ USD, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng 9, tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường EU và Anh đạt 3,54 tỷ USD, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước.

Tính đến ngày 12/10, các tổ chức được ủy quyền đã cấp khoảng 23.800 bộ C/O mẫu EUR.1 với kim ngạch khoảng 963 triệu USD đi 28 nước EU. So với các Hiệp định thương mại (FTA) khác của Việt Nam mới có hiệu lực và đi vào thực thi trong thời gian gần đây như Hiệp định CPTPP, FTA giữa ASEAN và Hồng Kông, FTA giữa Việt Nam - Cuba... thì số lượng C/O mẫu EUR.1 được cấp để xuất khẩu sang EU lớn hơn rất nhiều.

Đại Việt