Ông Thành cho biết, hiện tại các cảng biển Việt Nam, lượng container tồn đọng quá 90 ngày mà không làm thủ tục nhập khẩu chiếm trên 32%, các loại phế liệu này sẽ được xử lý theo 2 cách.
Thứ nhất là những lô hàng phế liệu do các tổ chức, cá nhân đủ điều kiện nhập khẩu, sản xuất. Có 116 tổ chức cá nhân, chiếm 42%. Cơ quan hải quan yêu cầu khẩn trương làm thủ tục thông quan theo quy định.
Nhập khẩu máy móc cũ và thiết bị cũ vào Việt Nam |
Trường hợp các lô hàng phế liệu không đáp ứng yêu cầu bảo đảm môi trường thì sẽ được xử lý theo 2 hướng: Buộc tái xuất hoặc tiêu huỷ và chi phí xử lý do tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm chi trả.
Đối với các lô hàng phế liệu do 158 tổ chức, cá nhân nhập khẩu không có giấy xác nhận, chiếm 58%, thì cơ quan hải quan tiếp tục xác minh các tổ chức nhập khẩu và xử lý như các tổ chức buôn lậu phế liệu theo hướng xử lý như trên.
Đối với các lô hàng phế liệu nhập khẩu vô chủ thì xác minh các tổ chức, cá nhân đủ điều kiện xử lý như chất thải nguy hại hoặc tái chế. Quá trình này phải thực hiện theo các quy định của Chính phủ, trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với tài sản và thời hạn sau 5 tháng thì xử lý theo quy trình này.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ra công điện yêu cầu các Bộ, ban ngành và cơ quan chức năng khẩn trương thực hiện các biện pháp ngăn chặn phế liệu là rác thải, phế liệu sơ chế vào Việt Nam gây ô nhiễm môi trường. Thủ tướng lưu ý chỉ cho phép nhập khẩu phế liệu là nguyên liệu sản xuất như (sắt, thép, nhôm và nhựa tái chế để phục vụ các nhà máy luyện gang thép và sản xuất nhựa).
Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan cũng yêu cầu các Cục hải quan địa phương nơi có cửa khẩu, cảng biển rà soát chặt lô hàng phế liệu nhập khẩu. Tạm dừng thông quan phế liệu trên bộ, chỉ thông quan phế liệu tại cảng biển để phòng ngừa việc phế liệu trà trộn vào Việt Nam.
Thời gian qua có tình trạng máy móc cũ, đồ điện tử, gia dụng và điện lạnh cũ của Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc tuồn về Việt Nam theo đường phế liệu, sau đó hàng hoá này được bán thành đồ điện tử cũ trên thị trường. Đây là các mặt hàng cấm lưu thông, tiêu dùng tại Việt Nam theo luật pháp.
Cũng có nhiều thông tin là một số xưởng, nhà máy của doanh nghiệp nước ngoài, quy mô nhỏ nhập nhựa sơ chế, rác thải nhựa về Việt Nam sau công đoạn gột rửa, sơ chế thành hạt nhựa thành phẩm xuất khẩu ngược trở lại các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc. Đây là hành động gây ô nhiễm môi trường vì các hoạt động tái chế này phát sinh ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
An Linh