Theo Bộ LĐ-TB&XH, cập nhật của 63 tỉnh, thành phố tới chiều 3/3 cho thấy, tổng số lao động Trung Quốc hiện đang làm việc tại Việt Nam: 15.310 người. Các địa phương đang thực hiện cách ly, theo dõi 2.615 lao động Trung Quốc.
So với 1 tuần trước đó, số lượng lao động Trung Quốc bị cách ly đã giảm nhiều. Nguyên nhân là lao động cách ly đã qua 14 ngày và được các cơ sở y tế kiểm tra theo đúng quy định phòng chống Covid-19.
Trước đó, hôm 26/2, số lao động Trung Quốc được cách ly, theo dõi nhằm phòng chống Covid-19 lên tới 7.791 lao động ở 60 tỉnh, thành.
Nhận định tình hình thời gian tới, Bộ LĐ-TB&XH đã chỉ đạo việc xây dựng phương án tiếp nhận lao động là người Trung Quốc quay trở lại Việt Nam làm việc theo hướng chọn lọc, trình tự chặt chẽ.
Đặc biệt, công tác tiếp nhận sẽ có lộ trình đối với một số chuyên gia, lao động tại một số ngành nghề, lĩnh vực nhất định, xuất phát từ yêu cầu cấp thiết của công việc.
Gần 290 lao động Italia làm việc tại Việt Nam
Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH, tại thời điểm cuối tháng 2, cả nước tiếp nhận 284 người lao động người Italia làm việc. Trong đó, cơ quan chức năng đã cấp giấy phép lao động cho 277 người, cấp xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động cho 7 người.
Tất cả các trường hợp lao động quay trở lại làm việc đều phải tuân thủ quy định của Bộ Y tế về việc kiểm tra sức khỏe, cách ly.
Về lao động Hàn Quốc tại Việt Nam. Thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, 27.347 người lao động Hàn Quốc đang làm việc tại địa phương.
Cả nước có 27 tỉnh, thành phố đang tiếp nhận nhiều lao động Hàn Quốc làm việc và sinh sống, như: Hà Nội, TP HCM, tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Hải Dương, Hải Phòng, Đà Nẵng, Hà Nam.
Trong đó, chia theo vị trí công việc, có 6.033 nhà quản lý, 5.406 giám đốc điều hành và 12.911 chuyên gia, 2.997 lao động kỹ thuật.
Có 23.581 lao động Hàn Quốc đang ở Việt Nam, 3.766 lao động Hàn Quốc về nước chưa quay lại làm việc.
Liên quan tới công tác phòng, chống Covid-19 tới lao động Việt Nam đang làm việc tại Hàn Quốc, trước đó, Bộ LĐ-TB&XH đã yêu cầu các đơn vị chuyên môn có các biện pháp tuyên truyền, khuyến cáo người lao động, kể cả lao động bất hợp pháp, chủ động khai báo y tế, theo dõi sức khỏe theo quy định của các nước sở tại trong trường hợp bị nhiễm hoặc nghi nhiễm dịch Covid-19 hoặc đến từ các vùng khác.
Đặc biệt, Cục Quản lý lao động ngoài nước cần đề xuất cấp có thẩm quyền về phương án chỉ đạo và ứng phó kịp thời khi tình hình dịch bệnh chuyển biến phức tạp, nhất là khu vực đúng tâm dịch.
Liên quan tới lao động Nhật Bản tại Việt Nam. Theo báo cáo của các Sở LĐ-TB&XH, tại thời điểm cuối tháng 2, cả nước đang tiếp nhận 7.553 người lao động người Nhật Bản làm việc.
Chia theo vị trí công việc, có: 2.192 nhà quản lý, 1.200 giám đốc điều hành, 3.631 chuyên gia, 530 lao động kỹ thuật.
Việt Nam đã cấp giấy phép lao động cho 6.887 người, cấp xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động cho 648 người, số còn lại đang làm thủ tục hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động.
Lao động Việt Nam ở Hàn Quốc yên tâm làm việc
Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, các cơ quan quản lý cần đẩy mạnh tuyên truyền, động viên, khuyến khích người lao động Việt Nam ở nước ngoài, nhất là tại tỉnh Daegu và Gyeongbuk (Hàn Quốc) yên tâm làm việc, không rời khỏi quốc gia, vùng lãnh thổ đó khi không cần thiết nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.
Hoàng Mạnh