(Ảnh minh hoạ).
Báo cáo về tình hình kinh tế vĩ mô mới công bố, Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho biết, tháng 7 vừa qua ghi nhận 2 dấu ấn nổi bật trong ngành dầu khí. Và một trong 2 dấu ấn đó chính là nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động.
Theo báo cáo của SSI, nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn vận hành từ tháng 6 và nhờ vậy ngành công nghiệp chế biến chế tạo đã có thêm 1 động lực thúc đẩy mới. Chỉ số công nghiệp Sản xuất than cốc và sản phẩm dầu mỏ tinh chế tháng 7 tăng +606% sau khi tăng +242% vào tháng 6.
SSI cho biết, dự án Nghi Sơn được cấp phép từ năm 2008 là liên doanh giữa PetroVietnam với 3 đối tác nước ngoài từ Nhật và Quatar trong đó phía PetroVietnam nắm 25% cổ phần.
"Đây là một dự án mang lại tăng trưởng đột biến cho ngành công nghiệp với công suất thiết kế 10 triệu tấn dầu thô/năm, cao hơn so với Dung Quất là 6.5 triệu tấn. Tuy vậy hiệu quả thực sự của dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn đang là dấu hỏi lớn vì các điều khoản bù lỗ của PetroVietnam cũng như các ưu đãi quá đặc biệt dành cho dự án", SSI đánh giá.
Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên hiệu quả của Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) được nhắc đến.
"Đội vốn" hàng tỷ USD
Liên quan tới dự án này, hồi tháng 7 vừa qua, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã có báo cáo gửi Bộ Công Thương về việc góp vốn của vào dự án này, Theo báo cáo, dự án này được duyệt vào năm 2008 chỉ có mức vốn 6,1 tỷ USD, nhưng đến nay đã đội vốn lên 9,2 tỷ USD.
Là đối tác chỉ chiếm 25,1%, lại là tập đoàn nhà nước, cho nên việc tổng vốn dự án tăng cao khiến PVN gặp khó khăn để “rót” thêm tiền. PVN đang yêu cầu Công ty TNHH lọc hóa dầu Nghi Sơn - liên danh nhà đầu tư - thực hiện lập tổng mức đầu tư điều chỉnh theo quy định hiện hành. Tuy nhiên, PVN thừa nhận trong quá trình thẩm định nội bộ, PVN nhận thấy “không thể thực hiện được”.
Các bên góp vốn đang hối thúc PVN hoàn thành phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án trong tháng 9/2018 để làm cơ sở đóng nốt phần vốn góp theo tỷ lệ của PVN. Khi đó, các bên cho vay mới giải ngân phần vốn vay theo cam kết. Nếu không dự án có thể rơi vào thế rất khó khăn.
"Mắc kẹt" vì ưu đãi thuế
Ngoài vướng mắc về góp vốn, từ lâu, PVN đã “mắc kẹt” trong Hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nhà máy này. Cụ thể, lọc hóa dầu Nghi Sơn không chỉ được áp giá bán buôn các sản phẩm của mình tại cổng nhà máy bằng với giá xăng dầu nhập khẩu mà còn được cộng vào giá bán thêm thuế nhập khẩu 7% với các sản phẩm xăng dầu, 3% đối với các sản phẩm hóa dầu (polypropylen, benzen,... ).
Đặc biệt, theo thỏa thuận với liên danh nhà đầu tư lọc dầu Nghi Sơn, trong 10 năm, nếu Nhà nước Việt Nam giảm thuế nhập khẩu xuống thấp hơn mức ưu đãi kể trên, PVN sẽ có trách nhiệm phải bù cho lọc dầu Nghi Sơn số tiền chênh lệch này.
Hiện thuế nhập khẩu dầu từ ASEAN (0%) đã thấp hơn giá trị ưu đãi cho lọc dầu Nghi Sơn. Một báo cáo từ Vụ Ngân sách Nhà nước (Bộ Tài chính) từng cho biết, theo ước tính, trong 10 năm tới, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) có thể phải bỏ ra 1,5 - 2 tỷ USD để bù lỗ cho dự án Khu liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn có vốn đầu tư 9 tỷ USD.
Liên quan đến cơ chế xử lý đối với Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Thủ tướng trước đó có yêu cầu Bộ Công Thương báo cáo hướng xử lý vào đầu tháng 10.
Hồi cuối năm ngoái, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho hay, trong quá trình hội nhập, Việt Nam là nước được đánh giá đi đầu trong việc hội nhập kinh tế quốc tế, chúng ta đã ký, đàm phán và nhiều hiệp định thương mại tự do với các nước đã có hiệu lực. Nhiều nước có mức thuế khác nhau, vì vậy phát sinh dự án này được bảo lãnh của Chính phủ nhưng khi so với các dự án khác có những cái so sánh có thể cao hơn hay thấp hơn.
Tại thời điểm đó, Thứ trưởng cho biết, Chính phủ đã giao các bộ ngành tìm phương án hợp lý nhất trình Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
"Bộ Công Thương đã hoàn thành phương án, đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Chính phủ và ngày 27/10/2017, Ban Cán sự Đảng của Bộ Công Thương đã có báo cáo lên Bộ Chính trị. Hiện đang chờ ý kiến Bộ Chính trị quyết đáp về phương án xử lý thế nào", ông nói thêm.
Phương Dung