Theo nội dung đơn của Hiệp hội Taxi ba miền, chỉ một khoảng thời gian ngắn nữa, nội dung bản dự thảo Nghị định quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP sẽ được Chính phủ thông qua và nếu Chính phủ vẫn giữ nguyên những nội dung bất cập của bản Dự thảo lần thứ 11 (đã được Bộ GTVT trình lên Thủ tướng Chính phủ ngày 13/8/2019) thì điều này cũng sẽ gần như một dấu chấm hết cho tất cả các doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi truyền thống.
Bởi lẽ, nếu quy định như dự thảo sẽ tạo ra sự bất bình đẳng nghiêm trọng trong chính sách quốc gia đối với ngành kinh doanh vận tải, làm triệt tiêu hoàn toàn khả năng cạnh tranh bình đẳng của các hãng taxi truyền thống đối với xe ô tô dưới 9 chỗ sử dụng hợp đồng điện tử mà các phương tiện truyền thông hay gọi là taxi công nghệ.
Đơn cầu cứu của Hiệp hội Taxi ba miền.
Theo Hiệp hội taxi ba miền, ngay từ khi ra đời, mặc dù là hai thị trường liên quan (có các sản phẩm có thể thay thế cho nhau, theo pháp luật cạnh tranh), taxi công nghệ đã có được lợi thế rõ rệt về chính sách pháp luật so với taxi truyền thống. Đó là những lợi thế về điều kiện hình thức (không cần có biện pháp nhận diện như hộp đèn, tem,…), lợi thế về thuế suất, lợi thế về chi phí cho lao động (không cần ký hợp đồng lao động, không mất chi phí đào tạo, bảo hiểm, khám sức khỏe định kỳ, đột xuất cho lao động), lợi thế về chi phí cho hoạt động kinh doanh (không cần có bộ phận an toàn giao thông, tổng đài…).
Đến nay với việc Dự thảo Nghị định lần thứ 11 trình đã không yêu cầu taxi công nghệ (tức xe Hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ) phải gắn hộp đèn nóc, đồng thời còn cho phép cá nhân và hộ kinh doanh cá thể cũng có thể trực tiếp tham gia kinh doanh vận tải hành khách bằng xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ mà không phải thông qua các hợp tác xã, thì lợi thế vốn đã có của Taxi công nghệ càng được nới rộng, và có cơ hội trở nên hợp pháp một cách thiếu thuyết phục, thiếu bình đẳng.
Điều đáng ngạc nhiên là, để phần nào hạn chế sự bất bình đẳng giữa taxi truyền thống với taxi công nghệ, để tạo một “sân chơi” cạnh tranh lành mạnh, minh bạch giữa taxi truyền thống với taxi công nghệ và giải quyết bài toán quản lý của nhà nước đối với hình thức kinh doanh vận tải mới mẻ này, thì liên tục các lần Dự thảo thứ 6, thứ 7, thứ 8, thứ 9 và thứ 10 đã quy định gắn hộp đèn nóc đối với xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ.
Đây cũng là những tổng kết trong quá trình hơn 3 năm xây dựng Dự thảo và được sự đồng thuận cao từ nhiều phía, bằng chứng là có tới 25/26 Bộ trưởng và thành viên Chính phủ thông qua.
Hiệp hội Taxi ba miền cầu cứu Tổng Bí thư, Chủ tịch nước. (Ảnh minh họa).
Tuy nhiên, chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng sau bản Dự thảo Nghị định lần thứ 10 (trình ngày 17/7/2019) thì bản Dự thảo lần thứ 11 (trình ngày 13/8/2019) đột ngột có nội dung quay ngược gần như “180 độ” so với những nội dung đã được cân nhắc trong những bản Dự thảo trước đó mà không có một sự giải thích hợp lý nào”.
Hiệp hội Taxi cả ba miền cho biết, đã có rất nhiều công văn gửi các cơ quan nhà nước để đề nghị giải thích sự thay đổi đó những vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng.
“Đứng trước nguy cơ chưa từng có, đe dọa “khai tử” taxi truyền thống, Hiệp hội taxi ba miền, đại diện cho hàng ngàn doanh nghiệp taxi, hàng chục vạn anh em tài xế taxi làm đơn kêu cứu này để mong nhận được sự quan tâm của đồng chí Tổng bí thư, Chủ tịch nước về sự kiện xây dựng chính sách pháp luật đặc biệt quan trọng này của Đất nước, bởi lẽ Nghị định này không chỉ liên quan tới số phận của ngành Taxi mà còn thể hiện cách ứng xử của Việt Nam đối với làn sóng kinh doanh trên nền tảng không gian ảo và kinh tế sẻ chia – đã và đang gây nhức nhối cho nhiều quốc gia trên thế giới trong cách thức quản lý”, Hiệp hội Taxi ba miền khẳng định.
Nguyễn Dương