Fica
  1. Thời sự

Hiệp định thương mại với EU sắp được ký: "Quả ngọt" của gần 10 năm "gieo trồng"

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Như tin đã đưa, hôm qua (25/6), Hội đồng châu Âu đã thông qua quyết định ký Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (IPA) giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam. IPA cũng được ký kết cùng với EVFTA tại Hà Nội ngày 30/6.

Hiệp định thương mại với EU sắp được ký: Quả ngọt của gần 10 năm gieo trồng - 1

Hiệp định Thương mại Việt Nam - EU (EVFTA) đã được phê chuẩn và sẽ ký kết tại Hà Nội.

Cuối giờ chiều ngày 25/6, Bộ Công Thương đã phát đi thông cáo cho biết, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (IPA) sẽ được ký kết vào ngày 30/6, tại Hà Nội.

Theo Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh, nếu được đưa vào thực thi, EVFTA sẽ là cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam. Đồng thời những cam kết dành đối xử công bằng, bình đẳng, bảo hộ an toàn và đầy đủ cho các khoản đầu tư và nhà đầu tư của nhau trong Hiệp định IPA cũng sẽ góp phần tích cực vào việc xây dựng môi trường pháp lý và đầu tư minh bạch, từ đó Việt Nam sẽ thu hút nhiều hơn nhà đầu tư đến từ EU và các nước khác.

Tuy nhiên, chặng đường để đi được đến kết quả ngày hôm nay của EVFTA là một quãng thời gian dài gần 10 năm với nhiều nỗ lực trong đàm phán. Dưới đây là các dấu mốc đàm phán của Hiệp định:

Tháng 10/2010: Thủ tướng Chính phủ Việt Nam và Chủ tịch EU đã đồng ý khởi động đàm phán Hiệp định EVFTA.

Tháng 6/2012: Bộ trưởng Công Thương Việt Nam và Cao ủy Thương mại EU đã chính thức tuyên bố khởi động đàm phán Hiệp định EVFTA.

Tháng 12/2015: Kết thúc đàm phán và bắt đầu khởi động tiến trình rà soát pháp lý để chuẩn bị cho việc ký kết Hiệp định.

Tháng 6/2017: Hoàn thành rà soát pháp lý ở cấp kỹ thuật

Tháng 9/2017: EU chính thức đề nghị Việt Nam tách riêng nội dung bảo hộ đầu tư và cơ chế giải quyết tranh chấp giữa Nhà nước với nhà đầu tư (ISDS) ra khỏi Hiệp định EVFTA thành một hiệp định riêng do phát sinh một số vấn đề mới liên quan đến thẩm quyền phê chuẩn các hiệp định thương mại tự do của EU hay từng nước thành viên. Theo đề xuất này, EVFTA sẽ được tách thành hai hiệp định riêng biệt, bao gồm:

- Hiệp định Thương mại tự do chính là toàn bộ nội dung EVFTA hiện nay nhưng phần đầu tư sẽ chỉ bao gồm tự do hóa đầu tư trực tiếp nước ngoài. Với Hiệp định này, EU có quyền phê chuẩn và đưa vào thực thi tạm thời.

- Hiệp định Bảo hộ đầu tư bao gồm nội dung bảo hộ đầu tư và giải quyết tranh chấp đầu tư (Hiệp định IPA). Hiệp định IPA này phải được sự phê chuẩn của cả Nghị viện Châu Âu và của Nghị viện các nước thành viên thì mới có thể thực thi.

Tháng 6/2018: Việt Nam và EU đã chính thức thống nhất việc tách riêng EVFTA thành hai hiệp định gồm Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA); chính thức kết thúc toàn bộ quá trình rà soát pháp lý Hiệp định EVFTA; và thống nhất toàn bộ các nội dung của Hiệp định IPA.

Tháng 8/2018: Hoàn tất rà soát pháp lý Hiệp định IPA.

Ngày 17/2018: Ủy ban châu Âu đã chính thức thông qua EVFTA và IPA.

Ngày 25/6/2019: Hội đồng châu Âu phê duyệt cho phép ký các Hiệp định.

Với 17 Chương, 2 Nghị định thư và một số biên bản ghi nhớ kèm theo với các nội dung chính gồm thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ, thương mại và phát triển bền vững, các vấn đề pháp lý - thể chế, Hiệp định EVFTA được coi là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao và đảm bảo cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, đồng thời phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), cũng như đã lưu ý đến chênh lệch về trình độ phát triển giữa hai bên.

Nguyễn Mạnh

Hiệp định thương mại với EU sắp được ký: Quả ngọt của gần 10 năm gieo trồng - 2