Fica
  1. Thời sự

Hé lộ danh sách Bộ ngành, địa phương bị “bêu tên” sau 4 cuộc kiểm toán

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Kết quả 4 cuộc kiểm toán hoạt động về môi trường trong năm 2019 cho thấy Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng và nhiều Bộ, ngành bị “bêu tên” vì các dự án chậm tiến độ, mua sắm thiết bị ngoài danh mục gây lãng phí…

Kiểm toán Nhà nước vừa có báo cáo trình Quốc hội về kết quả kiểm toán năm 2019. Trong đó, ngoài những vấn đề về ngân sách Nhà nước, chi ngân sách, nợ công thì nổi lên vấn đề về môi trường sau 4 cuộc kiểm toán trong năm.

“Lỗi” dự án bệnh viện, nhà ở xã hội

Theo báo cáo kiểm toán, Bộ Y tế và Sở Y tế thành phố Hà nội cấp phép cho một số cơ sở y tế chưa đảm bảo quy định về BVMT; 19/22 bệnh viện được kiểm toán chưa đảm bảo đầy đủ các hồ sơ, thủ tục môi trường; 18/22 bệnh viện chưa vận hành hệ thống xử lý nước thải y tế theo quy định; công tác thiết kế, dự toán, quản lý chi phí đầu tư, thanh quyết toán, quản lý chất lượng công trình của một số dự án môi trường tại TP.Hà Nội còn hạn chế, sai sót.

Hiệu quả, hiệu lực đầu tư của các chương trình dự án môi trường còn hạn chế, cụ thể: Việc đầu tư một số nhà máy chất thải, nước thải trên địa bàn TP. Hà Nội giai đoạn 2014-2018 còn gặp khó khăn trong việc kêu gọi đầu tư; một số dự án chậm tiến độ do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng hoặc công nghệ đề xuất của nhà đầu tư là công nghệ cũ, chưa phù hợp với định hướng mới của Thành phố; 3 Chương trình, dự án về môi trường được kiểm toán đều không đạt được đầy đủ các mục tiêu đề ra; 2/3 Chương trình được kiểm toán tỷ lệ giải ngân vốn tài trợ thấp; công tác phối hợp thực hiện còn chưa chặt chẽ.

Hé lộ danh sách Bộ ngành, địa phương bị “bêu tên” sau 4 cuộc kiểm toán - 1

Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng nằm trong danh sách kiểm toán về hoạt động môi trường của Kiểm toán Nhà nước (ảnh: Nguyễn Mạnh)

Ngoài ra, qua kiểm toán hoạt động đối với một số hoạt động, chương trình, dự án cho thấy: Hiệu lực của một số chương trình, hoạt động được kiểm toán không cao, không đạt hoặc khó đạt được các mục tiêu đặt ra trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, nổi bật là: Chương trình nhà ở xã hội (NOXH) quận Long Biên, huyện Thanh Trì, Đông Anh của Thành phố Hà Nội giai đoạn 2015-2018 chỉ đạt 14% kế hoạch, nếu tính cả các dự án đã thi công cũng chỉ đạt 38% kế hoạch do các dự án đều chậm tiến độ,

Đến thời điểm kiểm toán cả 4 mục tiêu cụ thể của Dự án phát triển bền vững TP.Đà Nẵng đều chưa hoàn thành đầy đủ, dẫn đến mục tiêu chung của dự án đến 30/6/2019 chưa đạt được như kế hoạch đề ra.

Xây dựng mục tiêu Chương trình giảm ùn tắc giao thông giai đoạn 2011-2015, tầm nhìn đến năm 2020 của TP HCM chưa phù hợp với khả năng cân đối vốn; một số dự án chuẩn bị đầu tư vẫn chưa được bố trí kế hoạch vốn, 70/117 dự án (chiếm 59,8%) chưa triển khai thi công.

Hiệu lực trong công tác phối hợp giữa các bộ phận chức năng còn hạn chế tại nhiều cơ quan, đơn vị như: Cơ quan thuế tại một số địa phương chưa phối hợp tốt với các cơ quan chức năng trong việc rà soát thông tin các hộ kinh doanh để lập bộ quản lý thuế, tỷ lệ điều tra doanh thu của các hộ kinh doanh thấp, số nợ thuế còn cao, không đạt chỉ tiêu về tỷ lệ nợ thuế; Công tác tổ chức, phối hợp và thực hiện Chương trình giảm ùn tắc giao thông giai đoạn 2011-2015, tầm nhìn đến năm 2020 của TPHCM chưa kịp thời, thiếu chặt chẽ, chưa bám sát các chỉ tiêu kế hoạch dẫn tới một số nhiệm vụ cần sự phối hợp của các sở ngành đều chưa hoàn thành.

Hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công tại một số hoạt động được kiểm toán chưa cao, cá biệt Dự án phát triển bền vững TP.Đà Nẵng sử dụng nguồn vốn của Dự án để đầu tư cho 13 hạng mục bổ sung ngoài các hạng mục thuộc dự án được duyệt; mua sắm 11 thiết bị cho 6 sở, ngành và 2 thiết bị không có trong danh mục thiết bị của Báo cáo nghiên cứu khả thi; có 48 giao dịch rút vốn ngân hàng với tỷ giá thanh toán thấp hơn tỷ giá ngân hàng công bố hàng ngày trên website, gây lãng phí ngân sách.

Nhiều bất cập, sai sót về quản lý môi trường

Cơ quan Kiểm toán cho biết, việc ban hành chính sách về quản lý môi trường trong các lĩnh vực được kiểm toán chưa đầy đủ, thiếu chặt chẽ như: Chưa có chính sách thuế bảo vệ môi trường đối với phế liệu nhập khẩu; một số quy định về quản lý nhập khẩu phế liệu còn chưa đầy đủ, chưa chặt chẽ.

Bộ Công thương và Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) chưa phối hợp thực hiện công tác dự báo, đánh giá khả năng đáp ứng nguồn nguyên liệu trong nước và nhu cầu nhập khẩu phế liệu về Việt Nam phục vụ cho hoạt động sản xuất.

Bộ TN&MT chưa quy định cụ thể, đầy đủ quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan cấp phép đối với hồ sơ trực tuyến theo dõi hành trình phương tiện vận chuyển chất thải nguy hại cũng như mức xử phạt đối với trường hợp đơn vị hoạt động nhưng chưa được cấp, gia hạn giấy phép xả thải, giấy phép khai thác nguồn nước.

Trong báo cáo kiểm toán, TP. Hà nội chưa xây dựng quy định tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể cho các công việc duy trì vệ sinh môi trường (VSMT) cũng như giám sát tần suất thực hiện làm cơ sở xác định nghiệm thu khối lượng, chất lượng công việc; chưa xây dựng các cơ chế, chính sách xử lý nước thải, chất thải rắn và cơ chế quản lý sau đầu tư các công trình xử lý chất thải rắn theo kế hoạch được giao.

Một số đơn vị được kiểm toán chưa chấp hành nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường như: Bộ Tài chính chưa thực hiện công tác xử lý các container phế liệu tồn đọng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; cơ quan Hải quan tại một số tỉnh, thành phố chưa tuân thủ chặt chẽ, đầy đủ các quy định hiện hành về trình tự, thủ tục hải quan, công tác quản lý, giám sát phóng xạ trong quá trình nhập khẩu phế liệu; một số công ty chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường (BVMT) theo quy định nhưng đã được Bộ TN&MT cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện về BVMT trong nhập khẩu phế liệu.

Châu Như Quỳnh

Tin liên quan