Hàng hóa tồn đọng tại cửa khẩu Trung Quốc
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ
Tại một cuộc họp chiều 6/2, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, dịch bệnh do virus corona (nCoV) đang khiến cho quan hệ kinh tế thương mại với Trung Quốc gặp nhiều khó khăn , nhất là các mặt hàng trái cây, nông sản đang ùn ứ tại cửa khẩu.
Theo số liệu cập nhật đến chiều 6/2, đã có 60 xe container ùn ứ tại cửa khẩu Lạng Sơn được thông quan, trong đó hàng hoá đã xuất sang Trung Quốc chủ yếu là thanh long.
Tại tỉnh Lạng Sơn, cửa khẩu Hữu Nghị hiện vẫn còn tồn 200 container hàng hóa chưa thông quan, riêng hàng nhập khẩu của công ty Samsung đang tồn 3-4 container; cửa khẩu Tân Thanh tồn 230 container.
Nhiều hàng hóa vẫn đang ồn ứ tại cửa khẩu Lào Cai, Móng Cái - Quảng Ninh. Đa phần hàng hóa đi theo đường tiểu ngạch nên lượng tồn đọng càng lớn.
Hơn 5 tỷ USD “bốc hơi” trong 30 phút
Ngay khi bước vào phiên giao dịch sáng đầu tuần (3/2/2020), thị trường chứng khoán đã chứng kiến áp lực bán tháo ồ ạt trên diện rộng do lo ngại về diễn biến phức tạp của dịch cúm virus nCoV.
Đồ thị các chỉ số gần như “rơi tự do”. VN-Index “mất phanh” lao thẳng xuống mức 892,84 điểm chỉ trong 30 phút giao dịch đầu tiên, ghi nhận mất tới 43,77 điểm và đây cũng là lần đầu tiên VN-Index “thủng” mốc 900 điểm kể từ tháng 1/2019 đến nay.
Trên sàn Hà Nội, HNX-Index cũng mất 3,59 điểm xuống 98,77 điểm vào thời điểm 9 giờ 39 phút. Theo đó, ở thời điểm này, vốn hoá toàn thị trường ước đã “bốc hơi” hơn 5 tỷ USD.
Hàng loạt mã cổ phiếu giảm sàn, trong đó, thiệt hại rõ nét nằm tại các mã hàng không như VJC của Vietjet Air, HVN của Vietnam Airlines, FLC (sở hữu Bamboo Airways) và cả VTR của Vietravel.
Ngược lại, cổ phiếu ngành dược như DHG, DVN, IMP, DMC, TRA, DHT… vẫn tiếp tục được nhà đầu tư săn đón mặc dù thanh khoản của những mã này vốn dĩ không cao.
Ngành nào “hưởng lợi” khi kinh tế “hứng đòn” từ nCoV?
Do ảnh hưởng của nCoV, tốc độ tăng trưởng có thể bị chậm lại trong quý I/2020
Theo VNDirect, các ngành nghề chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch cúm nCoV gồm có du lịch, lưu trú, hàng không trong bối cảnh nhu cầu du lịch, đi lại của người Trung Quốc lẫn cả khu vực Châu Á chịu ảnh hưởng khi người dân có tâm lý hạn chế di chuyển trong thời gian diễn ra dịch.
Bên cạnh đó, những ngành có thể chịu tác động từ sự ngưng trệ sản xuất bao gồm: dệt may (nhập khẩu sợi, vải), điện tử, tiêu dùng (linh kiện, phụ kiện nhập khẩu từ Trung Quốc), thép dẹt (nhập khẩu HRC). Ngành dịch vụ, ngành cảng biển, cảng hàng không, logistic, vận tải… cũng bị bị tác động tiêu cực.
Tuy vậy, vẫn có một số ngành nghề sẽ hưởng lợi . Các ngành nghề có thể được hưởng lợi trong ngắn hạn nhờ sự gián đoạn nguồn cung hàng hóa từ Hồ Bắc nhập khẩu vào Việt Nam là những ngành nằm ở phân khúc hạ nguồn và chịu áp lực cạnh tranh lớn từ sản phẩm từ Trung Quốc như dệt may, thép, săm lốp.
Ngoài ra, những ngành mà Việt Nam và Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh trong lĩnh vực xuất khẩu cũng có thể ghi nhận đơn hàng gia tăng trong ngắn hạ do sự chuyển dịch tạm thời từ Trung Quốc sang Việt Nam như dệt may và da giày.
Nhóm ngành dược, vật tư y tế và bán lẻ dược có thể được hưởng lợi tuy nhiên quy mô của nhóm ngành này còn nhỏ. Thương mại điện tử cũng có thể cũng tăng trưởng hơn khi nhu cầu giao dịch online tăng hơn bình thường.
Xuất khẩu khốn khổ vì nCoV
Hiện nay, kim ngạch xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu đất liền là khoảng 7 tỷ USD, trong đó xuất khẩu theo đường chính thức khoảng 3,7 tỷ USD, xuất khẩu theo đường trao đổi cư dân khoảng 1 tỷ USD, chủ yếu là nông, thủy sản.
Bộ Công Thương đã đưa ra một loạt kiến nghị như khuyến nghị nông dân điều chỉnh ngay tiến độ sản xuất bởi tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, khó lường, nhiều khả năng kéo dài.
Tăng cường tiêu thụ nội địa thông qua việc động viên và tổ chức kết nối chuỗi phân phối trong nước với các vựa trái cây lớn như Bình Thuận, Long An. Kêu gọi người dân chung tay ủng hộ nông dân trong nước.
Hướng dẫn và động viên các chủ hàng chuyển sang xuất khẩu theo đường chính ngạch các lô hàng có đủ điều kiện; khuyến nghị người bán đóng bao bì, gắn nhãn, gắn tem truy xuất nguồn gốc để tạo thuận lợi cho việc chuyển sang xuất khẩu theo đường chính thức.
Bộ Công Thương cũng đề nghị Bộ GTVT, Bộ Tài chính cùng vào cuộc, rà soát các loại thuế, phí, nhất là phí vận chuyển đường bộ, thuế với nhiên liệu bay... để xem xét giảm thuế, phí cho hàng hóa lưu thông trong giai đoạn hiện nay, góp phần hỗ trợ cho bà con nông dân.
Xuất khẩu gần 4 triệu khẩu trang y tế sang Trung Quốc
Theo báo cáo của Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn, từ ngày 1/1 đến ngày 2/2, các đơn vị hải quan cửa khẩu trực thuộc Cục Hải quan Lạng Sơn đã làm thủ tục hải quan cho 15 bộ tờ khai với số lượng gần 4 triệu chiếc sang thị trường Trung Quốc. Trị giá xuất khẩu của gần 4 triệu khẩu trang y tế này là 92.137 USD.
Trước tình hình dịch bệnh virus nCoV, mặt hàng trang thiết bị y tế, trong đó có mặt hàng khẩu trang đang có dấu hiệu khan hiếm ở thị trường trong nước, Cục Hải quan Lạng Sơn đã có báo cáo gửi Tổng cục Hải quan để xin ý kiến chỉ đạo từ Tổng cục Hải quan.
Liên quan đến vấn đề này, ngày 4/2, Tổng cục Hải quan cũng đã có công văn trả lời Đại sứ quán Trung Quốc về xuât khẩu khẩu trang y tế. Theo đó, Tổng cục Hải quan cho biết, theo quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam thì mặt hàng khẩu trang y tế khi xuất khẩu không phải xin giấy phép của cơ quan chức năng.
Đường sắt Cát Linh - Hà Đông chưa xong đã phải trả nợ!
Một thông tin cũng gây chú ý trong tuần qua đó là trong văn bản hỏa tốc gửi Chính phủ mới đây, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về việc đã đến hạn trả nợ gốc khoản vay lại của Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông.
Với cơ chế tài chính hiện hành, Bộ này đã phê duyệt điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư dự án để bố trí 400 tỷ đồng cho hạng mục trả nợ gốc phần vốn vay lại cho tới khi bàn giao dự án cho UBND TP.Hà Nội.
Báo cáo của Ban Quản lý dự án Đường sắt (QLDA) cho thấy, hiện đã trả nợ gốc cho Trung Quốc với tổng số tiền 398,043 tỷ đồng, số vốn trả nợ gốc còn lại trong tổng mức đầu tư còn lại là 1,957 tỷ đồng.
Với những khó khăn trong quá trình thực hiện dự án và chưa xác định chính xác thời gian hoàn thành, bàn giao cho UBND TP.Hà Nội, Ban QLDA đã dự kiến phát sinh trả nợ gốc phần vốn vay lại đến hết năm 2020 khoảng 152,709 tỷ đồng (ký trả nợ gần nhất là ngày 21/1/2020 - PV).
Ban này cũng đề xuất phương án giãn nợ đến khi hoàn thành, bàn giao khoản vay cho UBND TP.Hà Nội hoặc xem xét, điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư để tiếp tục bố trí trả nợ, nhằm hạn chế vướng mắc phát sinh trong việc thực hiện nghĩa vụ bên vay theo các Hiệp định đã ký.
Mai Chi (tổng hợp)