Fica
  1. Thời sự

Hàng Việt xuất khẩu và nguy cơ bị kiện phòng vệ thương mại

Thế Hưng
Thế Hưng

Không chỉ gặp khó khăn vì dịch bệnh Covid-19, nhiều sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam còn gặp khó tại thị trường thế giới khi bị các nước sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để áp các loại thuế lên hàng Việt nhằm bảo hộ sản xuất nước họ.

Ngày 15/5 vừa qua, Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ đã thông báo khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với một số sản phẩm pin năng lượng mặt trời có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam.

Theo đó, nguyên đơn là Hiệp hội các nhà sản xuất pin năng lượng mặt trời Ấn Độ, đại diện cho các công ty Mundra Solar PV Limited, Jupiter Solar Power Limited, Jupiter International Limited.

Nguyên đơn cáo buộc pin năng lượng mặt trời có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam có hành vi bán phá giá, là nguyên nhân chính gây thiệt hại đáng kể đối với ngành sản xuất trong nước.

Sản phẩm bị điều tra là pin năng lượng mặt trời thuộc các mã HS: 8541.40. 11; 8541.10.12. Thời kỳ điều tra từ tháng 7 năm 2019 đến tháng 12 năm 2020. Thời kỳ điều tra thiệt hại từ tháng 01 năm 2016 đên tháng 12 năm 2020.

 

Về biên độ bán phá giá cáo buộc, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) cho biết, hiện tại Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ chưa cung cấp chi tiết biên độ bán phá giá cáo buộc đối với từng sản phẩm pin năng lượng mặt trời thuộc các mã HS 8541.40.11; 8541.10.12. Tuy nhiên, Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ cho rằng sản phẩm pin năng lượng mặt trời có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam có biên độ bán phá giá cao, vượt ngưỡng tối thiểu (tức trên 2%).

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ thông báo khởi xướng điều tra chống bán phá giá, các doanh nghiệp khác cần chủ động liên lạc với Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ để đăng ký tham gia và nhận Bản câu hỏi từ phía cơ quan này cung cấp. Thời hạn nộp Bản trả lời là 30 ngày kể từ ngày Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ thông báo khởi xướng điều tra chống bán phá giá. Trong trường hợp cần thiết, doanh nghiệp có thể yêu cầu Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ gia hạn thời hạn nộp Bản trả lời câu hỏi điều tra.

Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị các doanh nghiệp sản xuất/ xuất khẩu liên quan cần đăng ký tham gia làm bên liên quan để nhận Bản câu hỏi và cập nhật các thông tin liên quan; Cân nhắc sử dụng luật sư/ đơn vị tư vấn có kinh nghiệm trong lĩnh vực chống bán phá giá tại thị trường Ấn Độ để đạt kết quả kháng kiện tốt nhất. “DN Việt cần đọc kỹ hướng dẫn, trả lời đầy đủ và nộp Bản câu hỏi theo đúng thời hạn và thể thức quy định, đồng thời thường xuyên phối hợp, trao đổi thông tin với các đối tác nhập khẩu của Ấn Độ nhằm yêu cầu Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ xem xét toàn diện và nghiêm túc lợi ích kinh tế cũng như quyền lợi của người tiêu dùng Ấn Độ” – Cục Phòng vệ thương mại khuyến cáo.

Theo Cục Phòng vệ thương mại, bất kỳ hành động thể hiện sự bất hợp tác, hoặc hợp tác không đầy đủ có thể dẫn tới việc Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ sử dụng các chứng cứ bất lợi sẵn có, làm căn cứ và cơ sở cho việc áp dụng mức thuế chống bán phá giá do Nguyên đơn đề xuất. Việc bị áp thuế chống bán phá giá cao sẽ làm suy giảm lợi thế cạnh tranh, mất một phần hoặc toàn bộ thị trường xuất khẩu Ấn Độ vào tay các đối thủ cạnh tranh Ấn Độ hoặc các quốc gia khác.

Không chỉ tại Ấn Độ, nhiều sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường quốc tế thường xuyên lâm vào tình thế bị điều tra phòng vệ thương mại.

Theo Cục Phòng vệ thương mại, tính đến hết năm 2020, có hơn 200 vụ việc phòng vệ thương mại do nước ngoài khởi xướng điều tra đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, tác động đến khoảng 12 tỷ USD kim ngạch và hàng chục ngàn DN Việt.

Bởi vậy, nhằm giảm thiểu nguy cơ rơi vào những chiếc “bẫy phòng vệ thương mại” tại thị trường quốc tế, giới chuyên gia khuyến cáo, các DN phải hết sức cẩn trọng khi xuất khẩu hàng hóa ra thế giới, cần phải tuân thủ các quy chuẩn, quy định về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như những điều kiện liên quan đến xuất xứ hàng hóa... để không bị nước đối tác sử dụng các biện pháp kỹ thuật áp thuế cho hàng hóa của chúng ta,tránh những thiệt hại, rủi ro cho hàng hóa trong nước.

Thế Hưng