Hàng quán phố cổ thi nhau sang nhượng, đến Tạ Hiện cũng chung cảnh đìu hiu
Trái với hình ảnh đông đúc, hàng quán tấp nập, luôn kín khách ngồi từ tối đến đêm như trước đây, sau thời gian cách ly toàn xã hội 2 tuần, "phố Tây" Tại Hiện vẫn đìu hiu, vắng vẻ.
Chủ quán và nhân viên trong nhiều hàng quán tại Tạ Hiện "ngồi không" ngóng khách.
Nơi đây tập trung nhiều vũ trường, quán karaoke (2 hình thức vẫn chưa được phép mở cửa sau khi nới lỏng cách ly), hơn nữa lại thường xuyên đón khách nước ngoài, do đó không khó hiểu khi khu vực này ngày thường vốn dĩ sầm uất, bây giờ lại vẫn khá vắng vẻ.
Một vài quán vẫn đón khách đến ăn uống nhưng không được phép để tràn bàn ghế ra vỉa hè như trước đây.
Một số thanh niên tỏ ra khá thờ ơ với việc đeo khẩu trang hay ngồi giãn cách.
Một số vị khách nước ngoài hiếm hoi xuất hiện tại con "phố Tây".
Nhiều hàng quán trên con phố nổi tiếng sầm uất này chấp nhận tiếp tục đóng cửa vì không có khách.
Tình cảnh đóng cửa, tạm nghỉ, sang nhượng hay treo biển cho thuê mặt bằng, trả mặt bằng xuất hiện phổ biến tại phố cổ trong những ngày qua.
Lượng khách du lịch giảm mạnh vì dịch Covid–19 khiến các cửa hàng kinh doanh gặp khó khăn.
Anh Trịnh Công Thuận, chủ một cửa hàng quần áo tại phố cổ chia sẻ: "Trước đây, mỗi ngày cửa hàng tôi bán được khoảng 5 triệu tiền hàng mà bây giờ chỉ được 300.000 - 500.000/ ngày. Tôi đi thuê mặt bằng nên cứ cố mở để vớt vát chứ biết rõ không thể bán được nhiều như trước. Khách hàng chủ yếu ở phố cổ là khách nước ngoài mà giờ thì không còn ai".
Tại một số tuyến phố ở Hà Nội như: Lương Văn Can, Hàng Gai, Hàng Bông, Hàng Cót, Chả Cá, Hàng Điếu... - những nơi vốn nổi tiếng buôn bán sầm uất thì nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hàng loạt cửa hàng đã phải đóng cửa, hoặc sang nhượng lại. Các con phố trở nên vắng vẻ, thưa thớt khác lạ.
Toàn Vũ