Nhiều quán cà phê tại TPHCM có lượng khách đông đúc, bàn ghế kê san sát nhau. Ảnh: Đại Việt
Sau khi có lệnh dừng cách ly xã hội như quy định của Chỉ thị 16 thì nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại TPHCM đang có biểu hiện chủ quan trong công tác phòng chống dịch bệnh.
Trên đường Lữ Gia, Nguyễn Thị Nhỏ (quận 11), nhiều quán cà phê đã đồng loạt mở cửa kinh doanh. Trong số này, các quán cà phê rang xay có lượng khách đông đảo. Khách ngồi san sát nhau trò chuyện rôm rả.
Anh Thành Long (ngụ quận Tân Phú) cho biết, anh đi uống cà phê một mình trên đường Lữ Gia. Tuy nhiên, anh rất lo ngại khi quán cà phê “nườm nượp” khách ra vào.
“Các bàn ngồi cách nhau chỉ 0,3 – 0,4m. Nhiều bàn có 4 - 5 người không đeo khẩu trang nói chuyện sôi nổi. Tôi thấy lo nên thanh toán rồi ra về” - anh Long nói.
Theo anh Long, lí do anh ngồi cà phê là vì lâu ngày anh chưa ra quán uống. Tuy nhiên, một số quán cà phê đang kinh doanh thiếu an toàn.
Tại một quán hủ tiếu chay trên đường Minh Phụng (quận 6), khách đến ăn cũng ngồi kín các bàn trong quán. Khách bàn này “đấu lưng” với bàn kia, ngồi san sát.
Bên ngoài, hàng chục người gồm người bán và người mua mang về đứng chen chúc nhau, không giữ khoảng cách.
Bà Hồng - chủ quán hủ tiếu - chia sẻ: Khách mua mang về đông nên nhân viên trong quán cũng tất bật, không có thời gian hướng dẫn cho khách.
“Người thì muốn mua nhanh rồi về, người thì lại sợ quán làm không đúng yêu cầu nên họ chen lên sát khu vực múc hủ tíu để thúc giục và coi chúng tôi làm đồ ăn” - bà Hồng nói.
Một quán hủ tíu "nườm nượp" khách. Người mua và người bán chưa ý thức về khoảng cách an toàn trong phòng chống dịch. Ảnh: Đại Việt
Không chỉ những quán nói trên, nhiều quán ăn, quán nhậu trên đường Nguyễn Thông (quận 3), Tô Hiến Thành (quận 10)… cũng có tình trạng đông đúc tương tự. Một số quán ăn, quán nhậu không tuân khủ khoảng cách an toàn giữa các bàn trong quán.
Theo nhiều người dân tại TPHCM, việc nhiều quán nhậu mở cửa vào thời điểm này là chưa cần thiết bởi quán nhậu không phải nhu cầu thiết yếu của người dân.
Trong khi đó, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM đã có văn bản hướng dẫn tiêu chí an toàn thực phẩm đối với dịch vụ ăn uống và phòng chống dịch Covid-19.
Theo đó, ngoài tiêu chí về nguồn gốc nguyên liệu, khu vực nhập hàng, khu vực chế biến… thì cơ sở kinh doanh phải đảm bảo khoảng cách giữa hai người phải hơn 1m và mật độ trung bình là 1 người/3 m2 hoặc chiều cao vách ngăn cố định cách ly giữa hai người ăn là 1m trên bàn ăn.
Ngoài ra, tiêu chí an toàn của Ban Quản lý ATTP cũng yêu cầu khu ăn uống thông thoáng, có nước rửa tay. Bàn ghế phải sát khuẩn thường xuyên sau khi sử dụng…
Việc giữ khoảng cách an toàn tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống là điều rất quan trọng. Ảnh: Đại Việt
Trước đó, tại buổi giao ban trực tuyến của Ban chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh Covid-19 TPHCM, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Thanh Liêm nhấn mạnh, công tác phòng chống dịch tiếp tục được thực hiện đúng theo hướng dẫn của Ban chỉ đạo Trung ương Phòng chống dịch Covid-19. Các quận, huyện không được chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch bệnh.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM yêu cầu người dân ra đường phải đeo khẩu trang để đảm bảo an toàn.
Ông Lê Thanh Liêm cũng yêu cầu mỗi quận, huyện nên có đánh giá lại tình hình hoạt động trong phòng chống dịch Covid-19 thời gian qua. Cần xác định các phương án phòng chống dịch trong giai đoạn mới, vừa sản xuất kinh doanh, vừa phòng chống dịch.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 19 yêu cầu tiếp tục phòng chống dịch Covid-19.
Thủ tướng yêu cầu tiếp tục dừng các hoạt động lễ hội, nghi lễ tôn giáo, giải đấu thể thao, sự kiện có tập trung đông người tại nơi công cộng, sân vận động và các sự kiện lớn chưa cần thiết.
Đồng thời, tạm đình chỉ hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu như khu vui chơi, giải trí, cơ sở làm đẹp, karaoke, massage, quán bar, vũ trường… và các cơ sở kinh doanh dịch vụ khác theo quyết định hoặc chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố.
Các cơ sở kinh doanh thương mại dịch vụ như bán buôn, bán lẻ, xổ số kiến thiết, khách sạn, cơ sở lưu trú, nhà hàng, quán ăn… khu tập luyện thể thao, khu di tích, danh lam thắng cảnh được hoạt động trở lại nhưng phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.
Các cơ sở kinh doanh phải trang bị phòng hộ cho nhân viên, đo thân nhiệt khách đến; bố trí đầy đủ phương tiện, vật tư để rửa tay, sát khuẩn tại cơ sở và bảo đảm giãn cách khi tiếp xúc.
Đại Việt