Không ít người đi máy bay vẫn mong ước một ngày nào đó được ngồi hạng C. Điều đó chẳng có gì sai bởi trên khoang ghế này hành khách được tận hưởng một không gian như ở trong khách sạn “5 sao di động”, rất hiện đại và dịch vụ đẳng cấp.
Với những “siêu máy bay” như Boeing 787-9, 10 Dreamliner hoặc Airbus 350-900, mỗi ghế ngồi thương gia là một không gian riêng tư, chỉ cần bấm các nút điều khiển là chiếc ghế được ngả phẳng như một chiếc giường êm ái với chăn ấm nệm êm, đặc biệt thoải mái với những chuyến bay dài.
Khoang hạng C có 28 khách, được phục vụ theo tiêu chuẩn riêng bởi tổ tiếp viên gồm 4 người có kỹ năng và chuyên môn tốt. Tiếp viên hạng C phải tận tình, chu đáo và dễ mến, tương tác thường xuyên với hành khách để cung cấp thông tin, phục vụ đồ ăn, thức uống và chăm sóc khách lúc nghỉ ngơi.
Không gian khoang hạng C trên máy bay Boeing 787-9 (ảnh chỉ mang tính minh họa)
Ngày 1/3, nữ hành khách N.H.N (26 tuổi), ở phố Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội đáp chuyến bay từ London (Anh) về nước. Khách này có vé hạng C, ghế 5K. Máy bay hạ cách xuống sân bay quốc tế Nội Bài - Hà Nội lúc 4h30 sáng ngày 2/3.
Đáng nói, trước đó khách N.H.N đã tới vùng dịch Covid-19 tại Ý, dạo chơi ở Pháp và sau cùng lên máy bay tại London - Anh để rời châu Âu.
Trên chuyến bay khoảng 12 tiếng đồng hồ từ London về Hà Nội, cô gái nhiễm Covid-19 là một trong 21 khách hạng C. Đây là hạng ghế của người có tiền và được phục vụ đúng theo tiêu chuẩn của “thượng đế”. Còn tiếp viên hàng không, họ thực sự bận rộn trong suốt chuyến bay vì quy trình phục vụ khách ăn - ngủ - nghỉ.
Theo ghi nhận, trước khi máy bay cất cánh, khách C được tổ tiếp viên phục vụ khăn ấm để lau mặt, lau tay rồi dùng đồ uống. Sau khi máy bay cất cánh và ổn định độ cao, khách C được tận hưởng những dịch vụ tối ưu nhất đã trang bị sẵn trên khoang.
Với chuyến bay đường dài như London - Hà Nội, tiếp viên sẽ phục vụ khách thương gia dùng nước uống 3 lần, 2 bữa ăn nóng và 1 bữa ăn nhẹ. Các tiếp viên phục vụ lần lượt hành khách theo dãy ghế và theo trình tự từ trên xuống dưới.
Trước khi khách dùng bữa trên máy bay, tiếp viên phải mở bàn ăn, trải khăn, cung cấp dụng cụ dao, dĩa. Khách và tiếp viên sẽ trao đổi trực tiếp về thực đơn giới thiệu đồ ăn Âu - Á - Việt trước khi lựa chọn dùng bữa như thế nào.
Do bay đêm từ Anh về Hà Nội, thời gian bay kéo dài nên nhiều trường hợp khách ngủ nhưng quên để yêu cầu tiếp viên “không làm phiền”. Lúc đó, tiếp viên có nhiệm vụ phải tiếp xúc gần gọi khách thức giấc dùng bữa, nếu không gọi mà để khách thức dậy khi đã qua bữa thì tiếp viên bị đánh giá là không tận tình chu đáo.
Ngoài ra, trên chuyến bay, nếu có nhu cầu khách thương gia có thể ngồi một chỗ gọi tiếp viên để trao đổi, sử dụng dịch vụ mua hàng miễn thuế trên máy bay và sau đó được chuyển về tận nhà.
Rõ ràng, theo quy trình phục vụ khách hạng thương gia trên chuyến bay cho thấy hành khách và tiếp viên có rất nhiều thời gian tiếp xúc trực tiếp, tiếp xúc gần.
Nữ hành khách N.H.N nhiễm Covid-19 đi chuyến bay VN54, được khai thác bởi máy bay Boeing 787-9 từ London về Hà Nội sáng 2/3.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp, mặc dù các thành viên tổ bay đã đeo khẩu trang và găng tay, nhưng việc phục vụ suốt chuyến bay khiến cho nguy cơ nhiễm bệnh của đội ngũ phi công, tiếp viên là rất cao.
Trở lại với chuyến bay VN54 chở nữ hành khách nhiễm bệnh Covid-19 N.H.N, trên khoang có 21 hành khách, trong đó có 3 người Việt Nam, 18 người nước ngoài. Khách N.H.N ngồi ghế 5K, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng ngồi ghế 1A và một khách Việt khác ngồi ghế 2K.
Ngồi gần bệnh nhân N. và tiếp xúc nhiều nhất với N. trên chuyến bay là tiếp viên hàng không và các khách ngồi ghế 4G, 4K, 5G, 6G và 6K.
Sau khi xác định khách N.H.N nhiễm Covid-19, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã xét nghiệm âm tính lần 1 và sẽ thực hiện xét nghiệm lần 2 trong thời gian cách ly 14 ngày theo quy định. Từ tối 6/3, toàn bộ phi hành đoàn VN54 cũng đã được cách ly.
Châu Như Quỳnh