Nhiều ngành nghề chịu ảnh hưởng nặng nề vì Covid-19
Theo nhận định của VNDirect trong báo cáo mới phát hành, ngành dịch vụ sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19. Trong quý 2 vừa qua, ngành này đã sụt giảm 1,8% so với cùng kỳ (từ mức tăng 3,3% được ghi nhận trong quý 1) do áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội để ngăn chặn đà lây lan của Covid-19.
Ngành dịch vụ đã ghi nhận xu hướng phục hồi trong giai đoạn tháng 5-7 sau đó khi Chính phủ dần nới lỏng các quy định về giãn cách xã hội. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7/2020 tăng 3,3% sv tháng trước và 4,3% so với cùng kỳ năm 2019 (cải thiện so với mức tăng 3% so với tháng trước và 2% so với cùng kỳ 2019 của tháng 6). Tuy nhiên, sự phục hồi này có thể bị chững lại trong những tháng tới do đợt bùng phát mới của dịch.
Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam (do IHS Markit công bố) cũng đã giảm xuống mức 47,6 điểm trong tháng 7/2020 từ mức 51,1 điểm trong tháng 6/2020, cho thấy sự thu hẹp của hoạt động sản xuất công nghiệp.
Ngoài ra, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của Việt Nam tháng 7/2020 chỉ tăng 3,6% so với tháng trước (thấp hơn mức tăng 10,3% của tháng 6) và tăng 1,1% so cùng kỳ (thấp hơn mức 7,2% trong tháng 6).
Nguyên nhân chính giúp hoạt động sản xuất của Việt Nam phục hồi mạnh mẽ trong tháng 6 đến từ sự gia tăng mạnh mẽ các đơn đặt hàng mới cho các sản phẩm chế biến chế tạo vốn đã bị dồn nén trong giai đoạn tháng 3 tới tháng 5 khi các nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu (EU) triển khai các biện pháp giãn cách xã hội để ngăn chặn đà lây lan của Covid-19.
Khi các nền kinh tế này dần mở cửa trở lại kể từ cuối quý 2/2020, các đơn hàng mới đã đổ mạnh vào Việt Nam trong tháng 6, giúp cho ngành sản xuất công nghiệp ghi nhận mức tăng trưởng cao.
Tuy vậy, nhóm chuyên gia cho rằng mức tăng trưởng cao này khó có thể lặp lại trong những tháng sau đó do kinh tế thế giới đang bước vào suy thoái và nhu cầu toàn cầu đang yếu.
Do đó, ngành công nghiệp Việt Nam được dự báo sẽ chứng kiến quá trình phục hồi tương đối gập ghềnh từ đáy tháng 4, trong bối cảnh thế giới đang phải chống chọi với làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ hai.
Các ngành sản xuất bị ảnh hưởng nặng nề và lâu dài nhất là dệt may, khai thác dầu khí và khí đốt, sản xuất ô tô và phụ tùng. Ngược lại, cũng có những ngành có thể duy trì được mức tăng trưởng tích cực trong 6 tháng cuối năm do ít chịu tác động xấu bởi dịch bệnh như sản xuất thực phẩm, hóa chất và dược phẩm.
Tương tự, ngành nông nghiệp cũng đã phải ghi nhận mức tăng trưởng thấp nhất trong giai đoạn 2017-2020, chỉ tăng 1,2% so với cùng kỳ năm trước trong 6 tháng đầu năm. Nguyên nhân là thương mại xuyên biên giới bị thắt chặt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát và biến đổi khí hậu cũng như sự lây lan của dịch tả lợn Châu Phi (ASF).
Tăng trưởng GDP 2020 dự báo từ 2,3% đến 3,5%
Trên cơ sở đó, VNDirect đã hạ triển vọng tăng trưởng và đưa ra hai kịch bản cho kinh tế nửa cuối năm 2020.
Cụ thể, trong kịch bản cơ sở, VNDirect đặt giả định, Việt Nam có thể khống chế hoàn toàn làn sóng Covid-19 thứ 2 vào cuối quý 3/2020. TPHCM và Hà Nội sẽ không phải thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ “về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19”.
Theo đó, các chuyến bay quốc tế phục vụ mục đích thương mại có thể được cấp phép từ giữa quý 4/2020. Cùng với đó, các nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản và Liên minh Châu Âu (EU) có thể ngăn chặn hiệu quả làn sóng Covid-19 thứ 2 và tiếp tục tiến trình mở cửa trở lại nền kinh tế.
Như vậy, với kịch bản này, tăng trưởng GDP của quý 3/2020 được dự báo là sẽ đạt 3,5% so với cùng kỳ và tăng tốc lên 5,6% so với cùng kỳ trong quý 4/2020. Tăng trưởng GDP cả năm sẽ vào khoảng 3,5%.
Tuy nhiên, VNDirect cũng lưu ý rằng, trong trường hợp dịch Covid-19 diễn biến xấu hơn thì tăng trưởng GDP có thể sẽ chỉ đạt 2,3%.
Trong trường hợp này, đợt lây nhiễm thứ 2 có thể sẽ kéo dài hơn dự kiến và chỉ được kiểm soát hoàn toàn vào giữa quý 4.
TPHCM và Hà Nội có thể phải thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ; các chuyến bay quốc tế với mục đích thương mại có thể không được cấp phép cho đến cuối năm 2020 và quá trình mở cửa trở lại nền kinh tế của các nước lớn có thể bị gián đoạn hoặc đảo ngược do số ca lây nhiễm Covid-19 mới tăng mạnh.
Theo đó, VNDirect dự báo GDP quý 3/2020 chỉ tăng 1,6% so với cùng kỳ 2019 và GDP quý 4/2020 tăng 3,5% so với cùng kỳ.
Mai Chi