Fica
  1. Thời sự

Hà Nội công bố danh mục cửa hàng được mở cửa lúc cao điểm Covid-19

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Chủ tịch UBND TP Hà Nội tiếp tục yêu cầu đóng cửa các cửa hàng kinh doanh dịch vụ, trừ các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, chợ dân sinh, siêu thị tổng hợp…

Cụ thể, TP yêu cầu đóng cửa, tạm dừng kinh doanh toàn bộ các dịch vụ kinh doanh trừ các trường hợp sau: Siêu thị tổng hợp (trừ dịch vụ vui chơi, ăn uống tại chỗ); Trung tâm thương mại (gồm siêu thị tổng hợp như trên, văn phòng cho thuê, bệnh viện); Chợ dân sinh (gồm các gian hàng: lương thực, thực phẩm, rau hoa quả, đồ khô); Các cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini (trừ dịch vụ ăn uống tại chỗ); Các cửa hàng tạp hóa, kinh doanh hoa, quả, trái cây; Chuỗi kinh doanh nông sản thực phẩm, thuốc chữa bệnh; Dịch vụ khám chữa bệnh; Dịch vụ ngân hàng; Cửa hàng kinh doanh xăng dầu gas khí đốt.

TP Hà Nội khuyến khích mọi người dân sử dụng thương mại điện tử, giao hàng tại nhà. Khi giao dịch mua bán trong các loại hình trên cần đeo khẩu trang và giữ khoảng cách tối thiểu 2m, vệ sinh khử khuẩn theo hướng dẫn của ngành y tế.

Trước đó, chiều ngày 27/3, phát biểu tại buổi họp Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 TP, bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hà Nội cho biết, sau khi có chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Hà Nội hạn chế dịch vụ kinh doanh không cần thiết, đến ngày 26/3, các quận huyện, thị xã có thực hiện nghiêm nội dung này.

Tuy nhiên, theo bà Lan do cách hiểu khác nhau và cũng chưa thống nhất nội dung trên, nên dẫn đến việc một số phường ra cả văn bản yêu cầu đóng cửa các cơ sở kinh doanh thương mại. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp đã gửi thắc mắc nội dung này đến Sở Công Thương còn người dân hoang mang, lo sợ các hệ thống phân phối đóng cửa.

Phó Giám đốc Sở Công Thương cũng cho biết, do lo ngại cửa hàng, siêu thị đóng cửa nên trong ngày 27/3, người dân lại đi chợ mua nhu yếu phẩm đông gấp đôi ngày thường. Giá cả ở một số chợ cũng tăng từ 30-50% so với ngày thường. Ngoài ra, một số cơ sở điện máy đưa thêm hàng hóa thiết yếu vào bán chung với siêu thị điện máy.

Hà Nội công bố danh mục cửa hàng được mở cửa lúc cao điểm Covid-19 - 1

Lực lượng công an vận động người dân tạm thời đóng cửa quá cà phê

Trước tình trạng trên, bà Lan cho biết, đơn vị này đã trực tiếp gọi điện cho lãnh đạo các quận huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền người dân không phải tích trữ hàng hóa, các hệ thống phân phối vẫn mở cửa bình thường đảm bảo hàng hóa cho người dân. Ngoài ra, Sở Công Thương cũng phải làm việc với đơn vị chức năng để giải quyết tình trạng cơ sở điện máy đưa hàng thiết yếu vào bán.

Phát biểu tại đây, Bí thư, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Nguyễn Xuân Lưu cho biết, thực hiện yêu cầu của TP, về cơ bản các hộ kinh doanh đã chấp thuận tạm thời đóng cửa đến 5/4. Tuy nhiên, hiện vẫn còn ý kiến khác nhau về vấn đề này. “Nếu cần thiết, Sở Công Thương cho tập huấn để 30 quận huyện có thể nắm rõ mặt hàng nào được kinh doanh, mặt hàng nào thì chính thức đóng cửa”, ông Lưu nói.

Trước những băn khoăn kể trên, kết luận buổi họp, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đưa ra danh mục các cửa hàng được kinh doanh trong thời điểm này. Đó là chợ dân sinh, siêu thị tổng hợp, cửa hàng kinh doanh xăng dầu…

“Những trường hợp như vậy thì được kinh doanh, còn lại phải đóng cửa, không trừ một loại hình dịch vụ nào”, ông Chung nói.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, những ngày vừa qua, rất nhiều người dân phản ánh là có nhiều quán ăn buổi sáng, quán trà chanh, các quán cà phê và cửa hàng bán điện máy vẫn hoạt động.

“Phải dừng lại! Cửa hàng xe đạp, cửa hàng điện máy, đặc biệt là các quán nước chè ở các vỉa hè là phải dừng toàn bộ”, ông Chung yêu cầu. 

Ngay sau buổi họp trên, UBND TP Hà Nội công bố danh sách cụ thể các cửa hàng được kinh doanh trong thời điểm này và các cửa hàng tạm thời đóng cửa.

Quang Phong

Tin liên quan