Theo đó, GS Võ Tòng Xuân đề xuất cho xuất khẩu 3 triệu tấn gạo theo các phương án đấu thầu hợp đồng mua bán Chính phủ (G2G), đồng thời cho phép các doanh nghiệp tự tìm đối tác xuất khẩu gạo với giá cao nhằm khẳng định vị thế quốc gia hàng đầu về lương thực.
Để làm rõ hơn về vấn đề xuất khẩu gạo và cơ sở cho việc đề xuất xuất khẩu 3 triệu tấn gạo giữa thời điểm nhạy cảm này, phóng viên Dân Trí đã thực hiện cuộc trao đổi ngắn với GS Võ Tòng Xuân.
Giáo sư Võ Tòng Xuân, giáo sư hàng đầu về lúa gạo của Việt Nam, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ
Thưa ông, việc đề xuất xuất khẩu theo hạn ngạch 400.000 tấn gạo trong tháng 4 của Bộ Công Thương và kiến nghị mua đủ gạo dự trữ trước khi cho xuất khẩu của Bộ Tài chính liệu có phải là giải pháp khôn ngoan?
- Không hợp lý vì mình có gạo dư thừa, tại sao quá thận trọng giữ lại nhiều làm gì.
Trung Quốc đang cần gạo của Việt Nam nhiều, Philippines, Indonesia cũng cần gạo nhiều. Giá gạo cao, tại sao giữ lại làm gì? Tôi biết nhiều thương lái đang ghìm gạo lại để làm giá.
Tôi biết trước khi chưa cấm xuất khẩu hoặc áp hạn gạch có một số doanh nghiệp ký hợp đồng xuất khẩu rồi. Do có lệnh cấm nên ách lại, 2-3 tuần sau mới có lệnh xuất 400.000 tấn.
Nếu cứ giới hạn này gay cho doanh nghiệp lắm, bởi giờ đang cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động, họ sống thì người nông dân mới sống được, nhờ thế ngân sách nhà nước thu được thuế.
Về việc Tổng cục Dự trữ Nhà nước không thể mua gạo theo yêu cầu của Chính phủ 190.000 tấn, hiện mới chỉ được 7.700 tấn, ông có bình luận gì về vấn đề này?
- Hầu hết doanh nghiệp mình không có gạo lưu kho mà toàn mua gạo qua thương lái. Ngay cả Vinafood cũng vậy, không mua trực tiếp với nông dân mà qua hết thương lái. Đây chính là vấn đề khiến các doanh nghiệp không mua được gạo dự trữ khi giá biến động.
Vụ lúa hè thu sắp tới nên không thể thiếu gạo được. Đồng bằng Sông Cửu Long ở khu vực phía bắc Đồng Tháp Mười không sợ bị thiếu nước. Ngập mặn cả một khu lớn ở phía bắc An Giang, Long An, Đồng Tháp có hệ thống kênh đào sâu, lấy nước ngọt sông Cửu Long mới vừa vào Việt Nam. Thành ra với diện tích trên 400.000 ha luôn luôn năng suất cao, như vụ Đông Xuân vừa qua cũng phải đạt 7-8 tấn/ha.
Vụ Hè Thu nếu may mắn, mưa không dồn dập thì trúng mùa nữa, có thể đạt được 6 tấn/ha.
Ông đã nhiều lần đề xuất cho phép xuất khẩu gạo nhiều hơn số hạn ngạch 400.000 tấn?
- Tôi đề nghị Thủ tướng tăng cấp phép cho lượng gạo xuất khẩu, lúa gạo mình dứt khoát không thiếu. Tôi đề xuất khoảng 3 triệu tấn, ít nhất phải xuất khẩu 2 triệu tấn ngay bây giờ. Cho xuất 400.000 tấn thì doanh nghiệp vẫn không bán hết, tháng tới 500.000 tấn xuất đi cũng vẫn vậy. Trong khi đó, 2-3 tháng tới mình lại có gạo từ vụ Hè Thu rồi.
Chúng ta thấy vụ Đông Xuân có ít nhất 5,5 tấn gạo, rồi vụ Hè Thu ít nhất cũng phải gặt hái được 4 triệu tấn nữa. Trong khi đó, 2 tháng đầu năm mới xuất 900.000 tấn, giờ còn để lại 1,5 triệu tấn để cung cấp cho an ninh lương thực, còn lại phần kia cứ bán đi.
Khi Việt Nam mình bán gạo chủ động thì chứng tỏ Việt Nam là cường quốc sản xuất lượng thực, không ai chối cãi được. Trong hoạn nạn Việt Nam vẫn giúp cho các nước trên thế giới đảm bảo an ninh lượng thực. Như vậy, mới thấy Việt Nam là một thành viên biết điều của ASEAN, nhất là năm nay mình là Chủ tịch ASEAN.
Theo tôi, nếu việc điều hành của các cơ quan quản lý tốt, người dân sẽ không tích luỹ và chúng ta sẽ có gạo dư để bán.
Có đề xuất đấu thầu hạn ngạch hoặc đánh thuế gạo xuất khẩu, theo ông phương án nào khả quan hơn?
- Tôi thấy mấy nước nhập gạo của Việt Nam chỉ có Trung Quốc là đánh thuế được, còn Indonesia, Philippines đều nằm trong khối ASEAN, có Hiệp định ATIGA ràng buộc nên không thể đánh thuế xuất khẩu gạo họ.
Theo số liệu tôi được biết, hiện Philippines đã mua gần 300.000 tấn gạo của Việt Nam. Trong khi Trung Quốc cũng có kế hoạch mua trên 300.000 tấn của ta.
Năm ngoái, theo thông tin của Bộ Nông nghiệp Mỹ, Trung Quốc vét kho dự trữ để bán hết nên gạo Việt bị ảnh hưởng bởi gạo Trung Quốc rẻ quá khiến gạo Việt không bán được. Tuy nhiên, do năm nay họ hết gạo, cộng với dịch bệnh Covid-19 nên họ phải mua vào nhiều.
Với việc đấu thầu giá gạo, theo phương thức bán hàng Chính phủ với Chính phủ (G2G) thì cho doanh nghiệp đấu thầu xuất 500.000 tấn, nếu
doanh nghiệp A có giá bán tốt cho xuất 200.000 tấn, doanh nghiệp B giá bán tốt cho xuất 100.000 tấn... cũng là giải pháp tốt.
Còn nếu bán thông thường hiện nay thì doanh nghiệp khéo tìm khách hàng thì Nhà nước phải ủng hộ doanh nghiệp, không được cản họ.
Trân trọng cảm ơn ông!
Nguyễn Tuyền
(Thực hiện)