Ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN chia sẻ những nhận định về Nghị quyết 116/NQ-CP liên quan tới các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).
Thưa ông, đứng từ góc nhìn của tổ chức Công đoàn Việt Nam, việc ra đời gói hỗ trợ 38.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 116/NQ-CP của Chính phủ có ý nghĩa ra sao đối với người lao động trong bối cảnh này?
- Quỹ bảo hiểm thất nghiệp là quỹ tài chính độc lập với ngân sách Nhà nước. Quỹ được hình thành từ đóng góp của người lao động, người sử dụng lao động và có sự hỗ trợ của Nhà nước, hoạt động theo nguyên tắc chia sẻ và đóng hưởng.
Đại dịch Covid-19 bùng phát đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, việc làm, thu nhập của người lao động.
Ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN.
Trong bối cảnh đó, việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ có Nghị quyết về sử dụng Quỹ bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động là một chính sách rất nhân văn, cần thiết và cấp bách.
Qua đó nhằm góp phần chia sẻ khó khăn đối với người lao động, giúp ổn định cuộc sống, giảm bớt chi phí cho người sử dụng lao động để duy trì chuỗi cung ứng, sớm khôi phục, duy trì sản xuất.
Gói hỗ trợ trị giá 38.000 tỷ đồng đã thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự vận dụng sáng tạo, linh hoạt các chính sách của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội; củng cố, tăng cường niềm tin của người lao động và doanh nghiệp đối với Đảng, Nhà nước.
Theo đánh giá của ông, trong 6 mức hỗ trợ tới người lao động trong Nghị quyết 116/NQ-CP, nhóm nào sẽ có đông người lao động và được hưởng hỗ trợ nhiều nhất?
- Tôi cho rằng nhóm lao động có thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng đến dưới 60 tháng (nhóm 2) chiếm số đông nhất và được hưởng hỗ trợ nhiều nhất.
Theo số liệu mà chúng tôi nắm được thì nhóm này có trên gần 5 triệu người, chiếm khoảng 38,4% tổng số lao động được hỗ trợ (khoảng 12.780.000 người). Tổng số tiền sẽ được hỗ trợ vào khoảng 10.309 tỷ đồng.
"Qua theo dõi tôi được biết, người lao động đang hết sức hồ hởi đón nhận gói hỗ trợ này. Gói hỗ trợ còn là động lực thúc đẩy người lao động và doanh nghiệp tích cực tham gia Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp…", ông Ngọ Duy Hiểu cho biết.
Ở vị trí tiếp sau là nhóm lao động có thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp dưới 12 tháng (nhóm 1). Đây là nhóm này có khoảng gần 2,5 triệu người.
Theo dõi của Tổng LĐLĐ VN, đây là nhóm có thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp nhưng chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp. Nhóm này thường có việc làm và thu nhập không ổn định, dễ bị tổn thương nhất do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Trong nội dung Nghị quyết, Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Tổng LĐLĐ Việt Nam là một trong các bên tham gia tuyên truyền, vận động và giám sát việc thực hiện Nghị quyết. Vậy, việc kết hợp với các ngành triển khai công tác trên trong thời gian tới ra sao, thưa ông?
- Nghị quyết 116/NQ-CP của Chính phủ đặt ra nhiều nguyên tắc cho quá trình tổ chức thực hiện, đặc biệt là yêu cầu triển khai kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch và hiệu quả.
Tổng LĐLĐ Việt Nam đang và tiếp tục chỉ đạo các cấp công đoàn đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền nội dung chính sách đến đông đảo người lao động, giúp người lao động nhận thức rõ quyền của mình đối với chính sách.
Trong quá trình thực hiện Nghị quyết và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ (khi được ban hành), Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan chức năng tiến hành các hoạt động giám sát thực hiện Nghị quyết.
Trong đó, chúng tôi sẽ chỉ đạo phát huy vai trò chủ động, tích cực của công đoàn cơ sở trong việc phối hợp với người sử dụng lao động thực hiện các thủ tục để người lao động được hưởng chế độ hỗ trợ; giám sát thực hiện chính sách ngay tại doanh nghiệp, đơn vị mình; phản ánh những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện để kịp thời tháo gỡ, đảm bảo chế độ chính sách đến với người lao động trong thời gian sớm nhất.
- Trân trọng cảm ơn ông
Hoàng Mạnh thực hiện