Fica
  1. Thời sự

Góc nhìn chuyên gia: Lo nguy cơ hàng hoá, đầu tư Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam

Theo nhận định của nhóm chuyên gia, khi Trung Quốc đẩy mạnh xuất khẩu sang Việt Nam, Việt Nam sẽ càng phụ thuộc vào thương mại với Trung Quốc và gia tăng sức ép cạnh tranh trên thị trường nội địa từ hàng hoá Trung Quốc. Việt Nam sẽ đứng trước nguy cơ nhập siêu trầm trọng từ Trung Quốc.

Việt Nam có thể đứng trước nguy cơ nhập siêu trầm trọng từ Trung Quốc.

Việt Nam có thể đứng trước nguy cơ nhập siêu trầm trọng từ Trung Quốc.

Năm 2018 chứng kiến một loạt các động thái áp thuế của Mỹ lên hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc, khiến chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế đứng đầu thế giới ngày càng trở nên căng thẳng.

Tác động của cuộc chiến tranh thương mại này không chỉ trực tiếp tới Mỹ và Trung Quốc mà với tầm ảnh hưởng của hai quốc gia này còn có các tác động mạnh mẽ tới các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.

Bài viết dưới đây của PGS.TS. Nguyễn Anh Thu và TS. Vũ Thanh Hương (Trường đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội) đưa ra một số nhận định tác động và hàm ý chính sách đối với Việt Nam. Trong đó lưu ý đặc biệt đến nguy cơ gia tăng nhập siêu và đầu tư từ Trung Quốc:

Nguy cơ ồ ạt hàng Trung Quốc sang Việt Nam

Khi bị Mỹ áp thuế, Trung Quốc có thể tìm cách “mượn đường” Việt Nam, “lách luật” để từ đó xuất khẩu vòng sang thị trừng Mỹ. Ví dụ thép Trung Quốc có thể mạo danh thép Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là các mặt hàng bị áp thúe hầu hết đều là những mặt hàng máy móc, công nghệ tương đối đặc thù nên Trung Quốc cũng không phải quá dễ dàng chuyển sang Việt Nam để lách thuế.

Trung Quốc sẽ tìm cách đầu tư sang các nước châu Á, trong đó có Việt Nam và từ đó lại xuất khẩu hàng hoá sang Mỹ. Do đó, Việt Nam và các nước châu Á có thể bị biến thành “sân sau” của Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại. Hệ quả là chính Việt Nam và các nước châu Á khác có nguy cơ nằm trong danh sách áp thuế của Mỹ trong tương lai.

Đồng thời khi Trung Quốc khó khăn hơn trong việc tiếp cận các thị trường Mỹ, sẽ quay sang đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường khác trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Điều này dẫn đến hai khía cạnh, ở khía cạnh thứ nhất khi Trung Quốc đẩy mạnh xuất khẩu sang Việt Nam, Việt Nam sẽ càng phụ thuộc vào thương mại với Trung Quốc và gia tăng sức ép cạnh tranh trên thị trường nội địa từ hàng hoá Trung Quốc. Việt Nam sẽ đứng trước nguy cơ nhập siêu trầm trọng từ Trung Quốc.

Ở khía cạnh thứ hai, khi các mặt hàng của Trung Quốc bị đánh thuế bổ sung chuyển hướng sang các thị trường khác, xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới cũng có thể gặp khó khăn khi phải cạnh tranh với hàng hoá Trung Quốc.

Xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc cũng có thể gặp khó khăn hơn vì nếu Trung Quốc không tìm được thị trường xuất khẩu thay thế Mỹ thì có thể một phần hàng hoá xuất khẩu được đẩy mạnh tiêu dùng nội địa.

Việt Nam có thể có cơ hội tăng xuất khẩu hàng hoá sang Mỹ nếu hàng Trung Quốc bị hạn chế. Tuy nhiên, tác động này có thể không lớn vì đến thời điểm hiện tại, nhiều hàng hoá Mỹ và Trung Quốc dự kiến áp thuế không phải là sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Bên cạnh đó, Việt Nam cần lưu ý đến cơ hội thu hút đầu tư từ Mỹ vì các doanh nghiệp Mỹ có thể dịch chuyển các nhà máy, công ty từ Trung Quốc sang Việt Nam. Nếu có sự dịch chuyển này, đây là cơ hội để Việt Nam tăng cường năng lực sản xuất trong các lĩnh vực công nghiệp như lắp ráp điện tử.

Cải thiện môi trường đầu tư, đón luồng vốn từ Trung Quốc dịch chuyển

Tác động của cuộc chiến tranh thương mại với thế giới nói chung, với Việt Nam nói riêng chưa rõ ràng vì còn phụ thuộc nhiều vào quy mô và diễn biến của cuộc chiến, vào kịch bản hành động sắp tới của Mỹ và Trung Quốc cũng như phản ứng của các nước.

Với Việt Nam, có thể xuất hiện những thị trường đột nhiên bị bỏ trống khi Mỹ và Trung Quốc áp thuế lẫn nhau, tạo cơ hội cạnh tranh mới cho hàng Việt Nam.

Nhưng đó cũng có thể là dòng thương mại của Mỹ và Trung Quốc sang các thị trường thay thế khiến cạnh tranh phức tạp hơn trên các thị trường xuất nhập khẩu khác của Việt Nam và trên chính thị trường Việt Nam.

Do vậy, Chính phủ Việt Nam cần theo sát từng động thái của hai đối tác thương mại lớn này, dự đoán các kịch bản của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, giải pháp cho từng kịch bản kể cả khả năng xấu nhất.

Việt Nam cũng cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư để đón đầu thu hút các doanh nghiệp nước ngoài, bao gồm cả doanh nghiệp Mỹ và doanh nghiệp nước khác đang đầu tư tại Trung Quốc nếu như có sự dịch chuyển đầu tư khỏi Trung Quốc.

Đồng thời, Việt Nam cũng nên cân nhắc một số biện pháp để ngăn hàng hoá Trung Quốc chuyển hướng ồ ạt sang Việt Nam như sử dụng chính sách tỷ giá, áp dụng các biện pháp phi thuế quan hợp lý như tăng cường kiểm tra chất lượng hàng hoá.

Với doanh nghiệp Việt Nam, cần quan sát chặt chẽ động thái từ các thị trường, từ các quyết định cấp vĩ mô của các chính phủ, diễn biến các thi trường. Ngoài ra, tận dụng triệt để những FTA đang hoặc sắp có hiệu lực, đặc biệt đón đầu được EVFTA và CPTPP để chủ động tính toán các biện pháp thích hợp tận dụng cơ hội, tránh thiệt hại…

PGS.TS. Nguyễn Anh Thu và TS. Vũ Thanh Hương
(Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội)