Fica
  1. Thời sự

Giữ vững mục tiêu ổn định mặt bằng lãi suất

Hoàng Dung
Hoàng Dung

Năm 2021, Ngân hàng nhà nước đã giữ ổn định mặt bằng lãi suất, thậm chí là nhiều lần điều chỉnh, giảm lãi suất.

Tại cuộc họp báo triển khai ngành ngân hàng năm 2022 diễn ra ngày 28/12, Vụ Chính sách tiền tệ thông tin, năm 2021, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành mặt bằng lãi suất giảm. Theo thống kê, đến tháng 11, lãi suất cho vay giảm 0,82%.

Trong năm, mặt bằng lãi suất cũng đã giảm 3 lần. Trần lãi suất cho vay với 5 lĩnh vực ưu tiên là 4,5%/năm. Thực tế, lãi suất cho vay thực tại ngân hàng với 5 lĩnh vực này chỉ khoảng 4,32%/năm - thấp hơn các nước có nền kinh tế tương đồng.

Giữ vững mục tiêu ổn định mặt bằng lãi suất 
(Ảnh: A.C).

Ngoài ra, đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết đã điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) và phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, chính sách vĩ mô khác đảm bảo kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế. Nhờ thế,thị trường tiền tệ ổn định; lãi suất liên ngân hàng duy trì ở mức thấp, hỗ trợ TCTD giảm chi phí vốn để có điều kiện tiếp tục cắt giảm lãi suất cho vay.

NHNN giữ nguyên các mức lãi suất điều hành, tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp; tiếp tục chỉ đạo TCTD chủ động cân đối khả năng tài chính, triệt để tiết giảm chi phí hoạt động, tập trung mọi nguồn lực để giảm lãi suất cho vay. Bên cạnh đó, 16 ngân hàng thương mại (chiếm 75% tổng dư nợ nền kinh tế) đã thực hiện có kết quả việc giảm lãi suất cho vay theo cam kết với Hiệp hội ngân hàng.

Tuỳ theo diễn biến thị trường trong và ngoài nước, NHNN đã cân đối vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu CSTT. Thanh khoản thị trường thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời.

NHNN tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm kiểm soát quy mô tín dụng, gắn với nâng cao chất lượng tín dụng; đồng thời, chỉ đạo TCTD tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông; tăng cường quản lý rủi ro đối với cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tín dụng tiêu dùng; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

Bên cạnh đó, nhằm tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp cận tín dụng, đáp ứng nhu cầu hợp pháp của người dân, góp phần hạn chế “tín dụng đen”, ngành ngân hàng đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp như, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, phát triển các dịch vụ trực tuyến; mở rộng mạng lưới, đa dạng sản phẩm dịch vụ, giảm lãi suất, đơn giản hóa thủ tục cho vay đáp ứng nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp và mọi tầng lớp dân cư.

Với hệ thống các chỉ đạo và giải pháp đồng bộ của NHNN, mặc dù chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 nhưng tín dụng toàn nền kinh tế tăng ngay từ đầu năm và cao hơn so cùng kỳ năm 2020. Tính đến 22/12/2021, tín dụng đối với nền kinh tế tăng 12,68% so với cuối năm 2020, tăng khoảng 14,57% so với cùng kỳ năm 2020.

Dư nợ tín dụng đối với 23 chương trình tín dụng chính sách của NHCSXH đến 30/11/2021 đạt 245.199 tỷ đồng, tăng 8,4% so với năm 2020, với hơn 6,4 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ.

An Chi