Fica
  1. Thời sự

Giao việc dễ chỉ "vẽ đường" cho con ông, cháu cha vào Nhà nước

Bài lấy lại
Bài lấy lại

"Giao nhiệm vụ thấp, ai cũng làm được thì người trình độ thấp cũng hoàn thành, chỉ tạo điều kiện cho con ông cháu cha vào doanh nghiệp Nhà nước", ông Cung nói.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, thành viên Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) đã chia sẻ như vậy tại Hội thảo về tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước tổ chức tại Hà Nội ngày 23/9.

Giao việc dễ chỉ vẽ đường cho con ông, cháu cha vào Nhà nước - 1

TS Nguyễn Đình Cung, chuyên gia kinh tế, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương (CIEM)

Theo ông Cung, Việt Nam có một cuộc cải cách mà cứ loay hoay mãi không có kết quả bởi vì không có tư duy mới, cách tiếp cận mới.

"Kinh tế Nhà nước cứ ôm hết vào là được coi là chủ đạo thì sai lầm. Các nước khác cũng có doanh nghiệp nhà nước, sao họ không nói là chủ đạo?", ông Cung nói.

Theo nguyên Viện trưởng Viện CIEM: "Mục tiêu của doanh nghiệp là đi tìm kiếm lợi nhuận, chứ không còn là gì khác. Vì vậy, các yêu cầu khiến nó đóng vai trò như là công cụ ổn định kinh tế vĩ mô là hoàn toàn sai và khiến hoạt động trở nên méo mó".

Ông Cung lấy ví dụ về chỉ số CPI, khi giá thị trường lên, các mặt hàng khác đều tăng, thì một mặt hàng nào đó Nhà nước yêu cầu doanh nghiệp kìm lại, doanh nghiệp bị thua lỗ. Đến lúc giá giảm, lại bắt tăng giá lên, rất vô lý, không theo thị trường. Cách điều tiết này khiến cho doanh nghiệp Nhà nước bị đè nén, đảo lộn và sai lệch tín hiệu quả và luôn luôn bị thua lỗ.

Theo ông Cung, cách điều hành của ta cứ nghĩ rằng không ai mất gì, nhưng mọi người đều mất, người dân mất, nhà nước mất và thị trường méo mó, doanh nghiệp hoạt động theo mệnh lệnh hành chính kém hiệu quả.

Ông Cung cho rằng, đã đến lúc thay đổi tư duy quản lý doanh nghiệp Nhà nước, nếu cứ như hiện nay chỉ loay hoay, lẩn quẩn, giống như "con nhộng mới chỉ lột xác một nửa" như Đại biểu Dũng nói - (ông Nguyễn Sỹ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, phát biểu tại Diễn đàn Cải cách và Phát triển 2019 ngày 19/9). Điều này khiến nền kinh tế đổi sang mô hình kinh tế thị trường theo kiểu dùng dằng, không dứt khoát.

Tiến sĩ Cung cho rằng, nếu giao việc thì điều quan trọng là phải giao cho doanh nghiệp Nhà nước những nhiệm vụ cụ thể, khó khăn xứng đáng với vai trò. Cứ yêu cầu doanh nghiệp Nhà nước phải bảo toàn vốn trong đầu tư kinh doanh, doanh thu năm sau cao hơn năm trước... là nhiệm vụ quá sơ sài, chung chung. Nhiều khi chỉ cần 1 đồng lợi nhuận là có bảo toàn vốn, thậm chí chỉ cần hoạch toán lại đã có lợi nhuận, có bảo toàn vốn.

"Tôi thích cách đề cập như Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ là: Phải giao nhiệm vụ đủ cao cho doanh nghiệp Nhà nước mà chỉ có người tài mới làm được. Nếu giao nhiệm vụ thấp, người trình độ thấp cũng làm được thì chỉ tạo điều kiện cho con ông cháu cha vào doanh nghiệp Nhà nước", ông Cung nói.

Ông Cung cho rằng, một nhà nước sở hữu, kiểm soát như hiện nay là không ổn, phải để thị trường kiểm soát. "Chỉ có cải cách mới giúp Việt Nam hóa được "con này", "con kia", nếu không chỉ đi xuống. Và cải cách đầu tiên phải từ tư duy, phải vượt khuôn khổ, tạo không gian mới", Chuyên gia Cung nói.

Theo ông Cung, chính vì sự dùng dằng về cơ chế, khiến các ý kiến của chuyên gia đưa ra từ rất lâu nhưng đến nay vẫn còn "nguyên giá trị".

"Tôi đã kiến nghị tháo gỡ các nút thắt cần được tháo gỡ về thể chế kinh tế để kiến tạo một đất nước phát triển, các chính sách đổi mới từ năm 2014, nhưng đến nay vẫn còn nguyên giá trị", ông Cung nói.

Theo ông Lê Xuân Bá, nguyên viện trưởng Viện CIEM, coi kinh tế nhà nước chủ đạo hiện nay như kiểu "chồng" mặc định kiếm tiền cho gia đình là chính, nhưng chồng lại kiến tiền ít thì làm chủ đạo sao được?

Ông Bá nói: "Cung cấp dịch vụ công không nên và không phải là trách nhiệm của doanh nghiệp Nhà nước mà là trách nhiệm của riêng Nhà nước. Nhà nước muốn làm thì hãy đấu thầu để các doanh nghiệp tham gia. Còn nếu bắt doanh nghiệp Nhà nước làm dịch vụ công, thì phải bù lỗ cho họ".

"Các chuyên gia nước ngoài ngoài nói, Việt Nam phân mảnh quyền lực rất lớn, các cơ quan Bộ, ngành nào cũng ôm vào quản lý. Tôi ngẫm đúng quá!", ông Bá nói.

Nguyễn Tuyền

Giao việc dễ chỉ vẽ đường cho con ông, cháu cha vào Nhà nước - 2

Tin liên quan