Fica
  1. Thời sự

Gian nan bài toán tìm việc trong bối cảnh Covid-19

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Trong tình hình khó khăn do Covid-19, nhiều người lao động "đánh liều" tìm cơ hội mới vì doanh nghiệp cũ phục hồi chậm hoặc ngừng việc tạm thời. Tuy nhiên, cơ hội mới cũng không đến dễ dàng.

Hy vọng vào công việc mới

Đầu tháng 6, anh Nguyễn Quốc Việt trú tại Bắc Từ Liêm (Hà Nội), đến Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội để làm thủ tục đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Đã 2 tháng sau khi nghỉ việc tại một công ty thiết kế nội thất, anh vẫn đang tìm công việc mới theo đúng ngành đã được đào tạo.

Trước khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện, thu nhập trung bình của anh Nguyễn Quốc Việt khoảng 20 triệu đồng/tháng. Dịch bệnh bùng phát, thu nhập của anh giảm còn 8-12 triệu đồng/ tháng.

Gian nan bài toán tìm việc trong bối cảnh Covid-19 - 1

Anh Nguyễn Quốc Việt hy vọng tìm được công việc mới có thể đáp ứng được nhu cầu về thu nhập.

"Lúc dịch bệnh mới xuất hiện, chúng tôi nghĩ sẽ cùng công ty vượt qua khó khăn, nhưng khó khăn lâu quá. Hơn một năm qua, cả gia đình tôi phải thắt lưng buộc bụng chi tiêu, trừ chi phí sinh hoạt chỉ còn dư một ít gửi về đỡ đần bố mẹ ở quê" - anh Nguyễn Quốc Việt chia sẻ.

Cũng tới tìm việc tại Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội, chị Bùi Thị Thơm trú tại Đống Đa (Hà Nội), chia sẻ: "Tôi làm lễ tân cho một khách sạn trên địa bàn quận Tây Hồ. Trước đây, khách sạn chủ yếu phục vụ khách nước ngoài. Dịch bệnh đã đẩy khách sạn vào thế khó suốt hơn một năm qua".

Theo chị Bùi Thị Thơm, trong tình thế khó khăn, việc khách sạn không cắt giảm nhân sự là sự cổ vũ tinh thần cho rất nhiều nhân viên. Không ít đồng nghiệp của chị làm việc ở khách sạn khác đã phải dừng công việc từ năm ngoái.

Vẫn giữ được công việc, nhưng chị Bùi Thị Thơm cho rằng: "Tình hình dịch bệnh có những diễn biến phức tạp, ngành của tôi không thể phục hồi ngay được. Còn trẻ mà cứ đi làm cầm cự thì không ổn, nên tôi tìm một công việc mới".

Gian nan bài toán tìm việc trong bối cảnh Covid-19 - 2

Chị Bùi Thị Thơm hy vọng tìm được một công việc mới có thu nhập tốt hơn.

Chị Bùi Thị Thơm mong muốn sẽ tìm được một công việc lễ tân ở một doanh nghiệp có công việc ổn định hơn. Chị cũng đang nghiên cứu một số công việc mới, như chăm sóc khách hàng hay nhân viên marketing.

 Người lao động "đánh liều"

Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Minh Huân, Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cho biết: "Đây là mong muốn rất chính đáng của người lao động. Dịch Covid-19 đã làm thu nhập và môi trường làm việc của nhiều người bị ảnh hưởng. Khi người lao động thấy môi trường làm việc không thuận lợi và đặc biệt là thu nhập bị giảm thì có xu hướng tìm công việc mới".

Theo ông Phạm Minh Huân, dịch bệnh làm ảnh hưởng đến đa số các doanh nghiệp ở mức độ khác nhau. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp vẫn duy trì được việc hoạt động ổn định, một số ngành nghề vẫn có khả năng phát triển tốt như nhóm ngành công nghệ, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, thiết kế… 

Nhiều người lao động hướng tới nhóm doanh nghiệp phát triển tốt. Tuy nhiên, ở những nhóm ngành này yêu cầu trình độ lao động ở mức độ nhất định, không phải ai cũng có thể làm được.

"Hiện nay, nhiều người lao động "đánh liều" nghỉ việc để đi tìm một cơ hội việc làm tốt hơn. Tuy nhiên không phải ai cũng tìm được công việc mới ổn định và có thu nhập cao hơn công việc cũ. Điều này sẽ đẩy người lao động đến tình trạng thất nghiệp" - ông Phạm Minh Huân lo ngại.

Theo ông Phạm Minh Huân, để giải quyết vấn đề trên, cần xây dựng một hệ thống thông tin thị trường lao động tốt để người lao động có thể nghiên cứu và đưa ra quyết định sáng suốt nhất trước khi nghỉ việc để tìm một công việc mới.

Về phía người lao động, cần nghiên cứu kỹ, tham khảo thị trường lao động trước khi đưa ra những quyết định tìm kiếm một công việc mới. Đồng thời nên sẻ chia, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Phạm Công