Fica
  1. Thời sự

Giảm 30.000 tỷ đồng thuế cho doanh nghiệp "phát sốt" vì dịch Covid-19

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Bộ Tài chính vừa xây dựng phương án gia hạn thuế, giảm phí cho doanh nghiệp chịu ảnh hưởng từ dịch viêm đường hô hấp cấp, số tiền dự kiến khoảng 30.000 tỷ đồng.

Bộ Tài chính vừa có thông báo hỗ trợ, gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất, tiền phí, lệ phí cho doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19.

Theo Bộ này nhận định, diễn biến của dịch Covid-19 ngày càng nghiêm trọng, phức tạp, chưa dự báo được diễn biến, thời điểm kết thúc, quy mô cũng như phạm vi tác động của dịch, đặc biệt dịch đang có nguy cơ bùng phát tại một số thị trường, đối tác quan trọng của Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên minh châu Âu (EU)...

Giảm 30.000 tỷ đồng thuế cho doanh nghiệp phát sốt vì dịch Covid-19 - 1

Bộ Tài chính dự kiến số tiền giảm, gia hạn thuế cho doanh nghiệp chịu tác động từ dịch Covid-19 là hơn 30.000 tỷ đồng

Ở trong nước, dịch Covid-19 đã có những tác động rất lớn đến các khía cạnh của đời sống kinh tế, xã hội, gây thiếu hụt lao động tạm thời, làm gián đoạn chuỗi cung ứng nguyên, vật liệu đầu vào, gây đình trệ hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Trước đó, tại Phiên họp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với nội dung đề xuất của Bộ Tài chính với gói hỗ trợ cho doanh nghiệp, hộ cá nhân kinh doanh.

Theo Bộ Tài chính, các trường hợp gia hạn tiền thuế, thuê đất là doanh nghiệp “không có khả năng nộp thuế đúng hạn do gặp khó khăn đặc biệt khác theo quy định của Chính phủ” quy định rõ tại Điều 49, Luật Quản lý thuế.

Để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh chịu tác động trực tiếp của dịch Covid-19, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các Bộ, ngành để khẩn trương trình Chính phủ ban hành Nghị định về gia hạn tiền thuế giá trị gia tăng.

Gia hạn tiền thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân của hộ, cá nhân kinh doanh; gia hạn tiền thuế đất cho đối tượng hoạt động, sản xuất kinh doanh trong các ngành kinh tế chịu tác động trực tiếp của dịch Covid-19 như: Du lịch, vận tải, khách sạn, dệt may, da giầy,...

Về việc giảm phí, lệ phí, Bộ Tài chính đã phối hợp với các Bộ, ngành rà soát đề xuất Chính phủ hoặc ban hành theo thẩm quyền giảm một số khoản phí, lệ phí là đầu vào của sản xuất, kinh doanh. 

Bộ Tài chính đề xuất giảm mức thu phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, gửi Bộ Tài chính và phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu, ban hành Thông tư theo quy định hoặc báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nếu vượt thẩm quyền. 

Theo dự kiến của Bộ Tài chính, tổng số thuế, tiền thuê đất được gia hạn khoảng 30.000 tỷ đồng. Dự kiến thời điểm hỗ trợ doanh nghiệp sẽ áp dụng ngay khi Nghị định được Chính phủ ký ban hành và sẽ kết thúc vào cuối năm 2020.

Trước đó, tại buổi làm việc với Tổng cục Thuế cuối tháng 2/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu ngành Thuế, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu kế hoạch giảm, giãn, khoanh nợ cho các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Hệ thống ngân hàng cũng đang thực hiện giảm lãi suất, khoanh nợ đối với cá nhân, doanh nghiệp vay chịu thiệt hại bởi dịch bệnh. 

Mới đây, Ban Nghiên  cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV), thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ vừa có báo cáo về khảo sát ảnh hưởng của dịch Covd-19 đối với hoạt động kinh doanh. 

Báo cáo nhấn mạnh: “Nếu dịch bệnh kéo dài tới 6 tháng, tỷ lệ doanh nghiệp có doanh thu bị giảm trên 50% chiếm hơn 60%, doanh thu giảm từ 20-50% chiếm gần 29%, chỉ có 1,8% số doanh nghiệp được hỏi nhận được tác động tích cực lên doanh thu do dịch bệnh”.

Theo ghi nhận của Báo cáo, nếu dịch bệnh Covid-19 kéo dài 6 tháng thì gần 74% số doanh nghiệp trả lời - (khoảng 888 doanh nghiệp) có nguy cơ phá sản do doanh thu không thể bù đắp chi phí hoạt động, chi lương, tiền lãi… 

Các Giám đốc doanh nghiệp chia sẻ giải pháp trước mắt để hạn chế khó khăn là cắt giảm lao động, với gần 39% số doanh nghiệp được hỏi sẽ thực hiện cắt giảm lao động do khó khăn. Tuy nhiên, Ban IV khẳng định: “Biện pháp này để lại hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế là có thể có hàng trăm nghìn người mất việc làm, gây bất ổn trong xã hội”. 

Nguyễn Tuyền