Fica
  1. Thời sự

Giải ngân vốn ODA tại Việt Nam thấp hơn nhiều so với trung bình toàn cầu

Theo đánh giá của các chuyên gia quốc tế, tỷ lệ giải ngân vốn ODA tại Việt Nam giảm từ mức cao 23,1% năm 2014 xuống còn 11,2% trong năm 2018, thấp hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu của nhóm 6 ngân hàng, trong đó tỉ lệ giải ngân toàn cầu của ADB và WB năm 2018 lần lượt là 21% và 20,2%.

Đây là một trong những nội dung được nêu ra tại cuộc họp giữa Ban Chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi với 6 ngân hàng, định chế tài chính nước ngoài tài trợ cho Việt Nam (gồm ADB, WB, JICA, KEXIM, AFD và KfW diễn ra tại Hà Nội chiều nay 17/6.

Giải ngân vốn ODA của Việt Nam thấp hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định năm 2018 Việt Nam đã tiếp nhận 80 tỷ USD nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi, trở thành một trong những nước tiếp nhận nguồn vốn này nhiều nhất trên thế giới, trong đó khoảng 80% là của 6 ngân hàng trên.

Trong số 80 tỷ USD, 7 tỷ USD là viện trợ không hoàn lại, trên 70 tỷ USD là vốn vay với lãi suất dưới 2% và 1,62 tỷ USD vốn vay kém ưu đãi nhưng lãi suất vẫn thấp hơn vốn vay thương mại.

Kết quả trên thể hiện nỗ lực và sự chủ động của Việt Nam trong việc tìm kiếm, tranh thủ nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước. Các nhà tài trợ đều có chung đánh giá Việt Nam đã sử dụng hiệu quả các nguồn vốn vay và đây cũng là một trong những lý do các nhà tài trợ vẫn tiếp tục cam kết dành cho Việt Nam nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi trong những năm qua.

Tuy nhiên, trong năm 2018, số vốn cam kết của 6 ngân hàng là 28,9 tỷ nhưng vốn cam kết chưa giải ngân hiện vẫn ở mức cao, khoảng 16,9 tỷ USD, bằng khoảng 7% GDP của Việt Nam, chiếm gàn 60%.

Theo đánh giá của các chuyên gia, tỷ lệ giải ngân tại Việt Nam giảm từ mức cao 23,1% năm 2014 xuống còn 11,2% trong năm 2018, thấp hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu của nhóm 6 ngân hàng, trong đó tỉ lệ giải ngân toàn cầu của ADB và WB năm 2018 lần lượt là 21% và 20,2%.

Tốc độ giải ngân chậm dẫn đến dự án bị trì hoãn, thậm chí không đạt được kết quả phát triển, làm tăng chi phí dự án, giảm hiệu quả đầu tư, do đó làm giảm tác động đến tăng trưởng GDP.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân của tình trạng giải ngân chậm là do các quy định về thủ tục còn phức tạp, trùng lặp; mức độ sẵn sàng của dự án thấp; quy trình và yêu cầu giải ngân còn rườm rà, một số dự án vướng mắc vào quy trình của đầu tư công khiến vay vốn nước ngoài nằm một chỗ mà nợ vẫn phải trả.

An Linh