Giá dầu thế giới ngày giảm mạnh trong thời gian gần đây. Cụ thể tính đến 16:30 (giờ GMT+7), dầu thô WTI của Mỹ đang giao dịch ở mức 21,33 USD/thùng.
Trước đó, dầu WTI có thời điểm đã rớt xuống mức 19,92 USD/thùng. Sau khi trượt xuống 22,58 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 11/2002, giá dầu thô Brent lúc 16:30 (giờ GMT+7) đã hồi phục về mức 23,38 USD/thùng, giảm hơn 64% so với thời điểm cuối năm 2019. Sự sụt giảm của giá dầu đến từ cả ảnh hưởng bởi yếu tố nguồn cung và cầu.
Dịch Covid19 bùng phát khiến nhiều quốc gia áp dụng lệnh phong tỏa, hạn chế đi lại khiến nhu cầu tiêu thụ năng lượng giảm mạnh.
Trong khi đó, cuộc chiến giá dầu giữa Saudi Arabia và Nga lại khiến nguồn cung tăng mạnh. Aramco - doanh nghiệp nhà nước của Ả Rập Xê Út cam kết cung cấp sản lượng kỷ lục 12,3 triệu thùng/ngày, tăng 25% so với sản lượng tháng 2, Bộ trưởng Năng lượng Alexander Novak nói rằng, Nga có khả năng tăng sản lượng thêm 500.000 thùng/ngày.
Các thành viên khác của OPEC cũng bắt đầu có những động thái theo sau, như với Iraq sẽ tăng sản lượng lên tới 350.000 thùng/ngày vào tháng tới và Nigeria thêm khoảng 100.000 thùng nữa.
Giá xăng dầu tại Việt Nam có đợt điều chỉnh lớn vào ngày 29/03, giảm 4.100 đồng/lít đối với xăng E5RON92 và 4.252 đồng/lít đối với RON95-III.
Theo các chuyên gia phân tích tại BVSC, việc giá xăng dầu trong nước giảm mạnh sẽ phần nào giúp hỗ trợ, giảm bớt các chi phí đối với các công ty đang gặp nhiều khó khăn do dịch Covid19.
Bên cạnh giá xăng giảm mạnh, việc các doanh nghiệp chăn nuôi cam kết giá thịt lợn ở mức thấp 70.000 đồng/kg cũng sẽ giúp giảm bớt áp lực đối với lạm phát. Cụ thể trong tháng 3/2020, chỉ số CPI đã giảm 0,72% so với tháng trước.
Áp lực lạm phát giảm sẽ góp phần hạn chế rủi ro đối với thị trường khi Ngân hàng Nhà nước thực hiện cắt giảm lãi suất điều hành hay thực hiện hỗ trợ tín dụng đối với các doanh nghiệp.
Mai Chi