Fica
  1. Thời sự

Giá lương thực thế giới giảm nhẹ nhưng nỗi lo an ninh lương thực vẫn còn

An Chi
An Chi

Giá lương thực thế giới giảm nhẹ trong tháng 4 sau khi đạt mức cao kỷ lục vào tháng 3 nhưng nỗi lo về an ninh lượng toàn cầu vẫn còn vì chiến sự ở Ukraine chưa hạ nhiệt.

Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) cho biết chỉ số giá lương thực của FAO đạt 158,5 điểm trong tháng 4, giảm nhẹ 1,2 điểm so với tháng tháng 3. Tuy nhiên, chỉ số này vẫn cao hơn 29,8% so với tháng 4/2021 khi chiến sự ở Ukraine kéo dài.

Hiện tại, giá ngũ cốc giảm 0,7% sau khi tăng 17% tháng trước đó. Giá ngô giảm 3%, giá lúa mỳ nhích nhẹ thêm 0,2%. “Giá lúa mì nhích tăng là do sự cố tắc nghẽn ở các cảng tại Ukraine và tình hình sản xuất ở Mỹ. Tình hình trên đã nhanh chóng được khắc phục nhờ các lô hàng lớn từ Ấn Độ và lượng hàng xuất khẩu cao hơn dự kiến từ Nga”, FAO viết trong báo cáo.

Chỉ số giá dầu thực vật của FAO giảm 5,7% trong tháng 4 do nhu cầu giảm đẩy giá dầu cọ, hướng dương, đậu nành đi xuống. Giá đường tăng 3,3%, giá thịt tăng 2,2% và sữa tăng 0,9%.

Nhà kinh tế trưởng của FAO - Maximo Torero Cullen đánh giá một số chỉ số sụt giảm là điều đáng mừng, nhất là với các quốc gia kém phát triển phải nhập khẩu lương thực. Tuy nhiên, giá lương thực vẫn cao trong thời gian gần đây đến từ những nguyên nhân khách quan có thể nhìn thấy và đặt ra thách thức về an ninh lương thực toàn cầu.

Giá lương thực thế giới giảm nhẹ trong tháng 4 sau khi đạt mức cao kỷ lục vào tháng 3 nhưng nỗi lo về an ninh lượng toàn cầu vẫn còn vì chiến sự ở Ukraine chưa hạ nhiệt (Ảnh: Reuters).

Mới đây, FAO đã cắt giảm dự báo sản lượng lúa mỳ thế giới năm nay xuống còn 782 triệu tấn. Nguyên nhân là do diện tích thu hoạch lúa mì ở Ukraine bị thu hẹp khoảng 20% và tình trạng hạn hán kéo dài khiến sản lượng lúa mì tại Morocco giảm. Còn tổng giao dịch ngũ cốc tổng giao dịch ngũ cốc trên toàn cầu trong mùa vụ 2021 - 2022 dự báo đạt  473 triệu tấn, thấp hơn 1,2% so với vụ trước.

Trước đó, cơ quan này đã đưa ra cảnh báo vào tháng 3 khi cho rằng giá lương thực và thức ăn chăn nuôi có thể tăng tới 20% do hậu quả của cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Đặc biệt là các nước nghèo phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu lúa mì ở Bắc Phi, châu Á và Trung Đông có nguy cơ mất an ninh lương thực do cuộc chiến ở Ukraine.

Với diễn biến không chắc chắn về cường độ và thời gian của cuộc chiến, "khả năng gián đoạn hoạt động nông nghiệp tại hai nhà xuất khẩu hàng hóa thiết yếu này có thể khiến tình trạng mất an ninh lương thực leo thang trầm trọng trên toàn cầu khi giá lương thực và đầu vào đã tăng cao và dễ bị tổn thương", ông Qu Dongyu, Tổng Giám đốc Tổ chức Nông lương của Liên Hợp Quốc (FAO) nói trong một bài phát biểu.

Theo số liệu của FAO, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến an ninh lương thực toàn cầu. Trong năm 2021, giá lúa mì và lúa mạch đã tăng 31%, giá dầu hạt cải và dầu hướng dương cũng tăng vọt hơn 60%. Trong khi giá lúa mì tăng hơn 50% so với một tuần trước khi cuộc chiến nổ ra.

An Chi