Hàng loạt dự án điện mặt trời được đầu tư xây dựng, giờ chủ đầu tư có nguy cơ thua lỗ vì quy định giá mới
Văn phòng Chính phủ vừa có phiếu chuyển gửi Bộ Công Thương đề nghị nghiên cứu kiến nghị của Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại và du lịch Hoàng Sơn gửi Thủ tướng Chính phủ liên quan đến cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời ở Việt Nam.
Theo đó, Văn phòng Chính phủ chuyển ý kiến của Công ty Hoàng Sơn đến Bộ Công Thương để xem xét trong quá trình hoàn thiện cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam, áp dụng từ ngày 1/7/2019.
Trong thư gửi Thủ tướng Chính phủ, Công ty Cổ phần đầu tư thương mại và du lịch Hoàng Sơn bày tỏ lo ngại về mức giá điện mặt trời chỉ còn 1.620 đồng/số. Công ty này mong Thủ tướng xem xét nghiên cứu phát huy thế mạnh của vùng miền cũng như các tỉnh miền Bắc và miền Trung vốn đã khó khăn về kinh tế hàng năm chịu nhiều bão lũ, thiên tai, tạo điều kiện quan tâm hỗ trợ cơ chế chính sách để phát triển được nguồn điện mặt trời ở vùng có bức xạ thấp.
Điều này cũng tận dụng được điểm đấu nối lưới điện và Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng mua hết được sản lượng điện do các nhà máy điện mặt trời sản xuất ra, giảm các tranh chấp quá mức về đất đai, làm giảm nguy cơ thiếu điện trong toàn quốc…
Công ty này cũng đề cập đến việc cơ chế khuyến khích điện mặt trời với mức giá hợp lý để không ảnh hưởng đến các công ty đang đầu tư dở dang các dự án điện mặt trời, để không bị đứng bên bờ vực phải phá sản.
Có những doanh nghiệp đã đầu tư điện mặt trời cho biết đang đứng trước nguy cơ phá sản
Ông Lê Văn Hoàng, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và Du lịch Hoàng Sơn, chủ đầu tư dự án điện mặt trời ở Thanh Hóa cho biết thêm: Công ty chúng tôi đã triển khai dự án, đã giải phóng mặt bằng, lắp đặt trang thiết bị. Dự án đã hoàn thành 70% khối lượng công việc. Với mức giá 1.620 đồng/số này, chắc chắn chúng tôi sẽ bị lỗ.
Ông Lê Văn Hoàng chia sẻ: Từ sau 30/6, do chưa có mức giá mới nên ngân hàng đã tạm dừng giải ngân. Với mức giá thấp như vậy, nhà đầu tư sẽ lỗ. Khi đó, ngân hàng cũng không thể giải ngân tiếp. Ngân hàng không giải ngân nữa thì nhà đầu tư phá sản, mất đi số tiền đã bỏ ra đầu tư. Các ngân hàng cũng sẽ gặp khó. Mặt khác, DN phá sản thì nhiều công nhân và doanh nghiệp khác bị ảnh hưởng.
Một nhà đầu tư khác đánh giá mức giá 1.620 đồng/số như dự thảo rất khó cho nhà đầu tư.
“Nếu làm điện mặt trời với mức giá như vậy thì chỉ làm được trong Bình Thuận, Ninh Thuận do đây là vùng có bức xạ cao. Nhưng 2 tỉnh này lại đang bị quá tải đường dây truyền tải. Còn các tỉnh khác bức xạ không tốt, nên khả năng chỉ có hòa và lỗ”, nhà đầu tư này cho biết.
Ngoài ra, theo nhà đầu tư này, giá thiết bị cho nhà máy điện mặt trời trước đây bên Trung Quốc tìm mọi cách chuyển sang Việt Nam nên có xu hướng giảm. Tuy nhiên, giờ đây giá thiết bị lại đang quay về mốc có dấu hiệu tăng lên, thậm chí có khả năng cao hơn nữa.
“Nói chung mức giá điện mặt trời như dự thảo mới nhất của Bộ Công Thương không còn hấp dẫn nữa”, nhà đầu tư này chia sẻ, “Chính sách biến động như vậy, giảm sâu như vậy thì nhà đầu tư khó có thể đầu tư thêm”.
Trong khi đó, lãnh đạo Sở Công Thương Hà Tĩnh khi trả lời báo chí cũng nhận xét mức giá đối với các dự án điện mặt trời mặt đất chỉ ở mức 7,09 cent/kWh, tức là giảm khoảng 32% so với giá cũ (được quy định tại Quyết định 11 của Chính phủ), đồng nghĩa lợi nhuận cũng giảm tương ứng.
“Tại Hà Tĩnh thì mức giá cho các dự án điện mặt trời phải ở mức 8,5 – 8,8 cent/kWh thì doanh nghiệp đầu tư mới có lãi. Mức giá mới chỉ phù hợp với các dự án đầu tư ở miền Nam, còn miền Bắc và miền Trung là không khả thi”, đại diện Sở Công Thương Hà Tĩnh cho hay.
Do đó, việc áp 1 mức giá là không phù hợp với tính chất khí hậu, phân khu vùng miền, cường độ bức xạ phân bố trên từng lãnh thổ các địa phương khác nhau. Cho nên cần để nguyên phương án mức giá áp giá cho 4 vùng hoặc 2 vùng như trước đây. Việc phân bổ đầu tư ra tất cả các vùng, miền của cả nước sẽ giúp cho việc nâng cấp đầu tư lưới điện, đường cao áp không trở thành gánh nặng cho ngành điện và để hài hòa phát triển kinh tế của từng vùng, từng địa phương.
Hiệp hội Năng lượng Việt Nam trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây cũng cho rằng, cần thực hiện giá mua điện mặt trời nối lưới theo nhiều vùng (2-4 vùng) thay cho giá mua điện chung trong cả nước, tránh tình trạng mất cân đối, nơi thì tập trung nhiều dự án, nơi không có doanh nghiệp đầu tư, gây quá tải cục bộ, ảnh hưởng đến an toàn cung cấp điện của hệ thống.
Theo Hiệp hội này, cường độ bức xạ của việt Nam thay đổi nhiều theo các vùng, các tỉnh miền Bắc có mức bức xạ thấp nhất, bình quân khoảng 3,7 kwh/m2/ngày, trong khí các tỉnh phía Nam, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên có bức xạ bình quân lên đến 4,8-5,1kwh/m2/ngày (gấp gần 1,4 lần).
"Việc áp dụng giá mua điện theo nhiều vùng sẽ tạo điều kiện cho các cơ quan quản lý, các đơn vị vận hành hệ thống điện có nhiều lựa chọn trong việc tích hợp nguồn điện mặt trời với các loại hình nhà máy điện khác trong khu vực nhằm mang lại hiệu quả cao nhất", Hiệp hội Năng lượng Việt Nam góp ý.
Nguyễn Hà