Giữ ổn định được hơn 1 năm, giá điện lại rục rịch tăng vào đầu mùa nóng năm nay.
Trao đổi với báo chí sáng nay (5/3), Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, Bộ Công Thương đang lên phương án tăng giá điện với mức tăng 8,36% so với giá điện bình quân hiện hành. Theo đó, giá điện dự kiến tăng từ 1.720 đồng lên khoảng 1.850 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT).
Lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, phương án tăng giá điện dự kiến sẽ được áp dụng ngay trong tháng 3/2019. Tuy nhiên, cơ quan điều hành cũng khẳng định sẽ tính toán để đảm bảo việc tăng giá không ảnh hưởng tới CPI, GDP.
Cơ quan quản lý cũng tính toán, tăng giá điện sẽ tác động đến những hộ sản xuất tiêu thụ điện lớn như các nhà sản xuất sắt thép, xi măng. Tuy nhiên, dù tăng từ mức 7,4 cent/kWh hiện nay tăng lên gần 8 cent/kWh, giá điện của Việt Nam hiện vẫn thấp hơn nhiều so với các nước khác trong khu vực và trên thế giới.
Theo lý giải của cơ quan quản lý, đề xuất tăng giá điện được xây dựng trên cơ sở các chi phí phát sinh thực tế trong sản xuất điện; khoản lỗ từ chênh lệch tỷ giá từ năm 2015 đến nay của ngành điện và các yếu tố khác.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực, ngoài số tiền trên, đến nay, chênh lệch tỷ giá chưa tính vào giá điện của năm 2015 tới hiện vẫn còn treo lại lên tới 754 tỷ đồng. Chênh lệch tỷ giá phát sinh trong năm 2018 chưa tính vào giá điện lên tới 3.593 tỷ đồng. Tổng chênh lệch tỷ giá cộng dồn qua các năm chưa tính đầy đủ trong giá điện đến nay lên tới 10.000 tỷ đồng.
Những khoản chi phí chưa được tính đủ trong giá thành điện của các năm trước đây và trong năm 2017 sẽ được tính vào chi phí sản xuất điện năm 2019 của EVN.
Bên cạnh đó, giá điện tăng cũng nhằm lành mạnh hoá thị trường điện bởi hiện nay cơ cấu nguồn điện đang không đáp ứng đủ nhu cầu cung ứng khi huy động chủ yếu từ nguồn điện có giá thành đắt hơn trong khi các dự án điện ngoài EVN bị chậm.
Tại cuộc họp về chi phí sản xuất điện của EVN ngày 30/11, ông Đinh Quang Tri - Quyền tổng giám đốc EVN dự báo sản lượng phát thuỷ điện sẽ giảm gần 4 tỷ kWh, vì thế buộc ngành điện phải tăng huy động nguồn từ nhiệt điện than, chạy dầu DO, FO. Tuy nhiên, khó khăn là chi phí mỗi kWh điện chạy dầu gần 5.000 đồng, cao hơn nhiều so với các nguồn điện huy động khác như than, khí... Và so với giá bán điện tới các hộ 1.720 đồng một kWh, phần lỗ tương đối lớn.
"Ngoài ra, giá than bán cho điện sản xuất sẽ tăng 5% từ đầu tháng 12 cũng sẽ ảnh hưởng tới giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2019", ông Tri cho biết.
Lần tăng giá điện gần nhất diễn ra vào ngày 1/12/2017 sau 3 năm giữ giá trước đó. Tại lần tăng giá này, giá điện tăng lên 1.720,65 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT), tương ứng tăng 6,08% so với giá bán điện bình quân hiện hành (1.622,01 đồng/kWh).
Theo Quyết định 24 của Thủ tướng, phương án tăng giá điện trong khung 5-10% sẽ thuộc thẩm quyền quyết định của Bộ Công Thương.
Liên quan tới điều hành giá điện, tại cuộc họp Ban chỉ đạo giá cuối tháng 1, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng ban chỉ đạo nhấn mạnh phải kiểm soát và minh bạch yếu tố đầu vào, thực hiện điều chỉnh giá điện đồng bộ.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu, điều chỉnh giá điện phải tính tới sự đồng bộ với giá khí trong bao tiêu, giá than phục vụ cho sản xuất điện và các kịch bản về phân bổ tỷ giá trong sản xuất điện với liều lượng và thời điểm phù hợp.
Theo công bố, năm 2017, EVN lãi hơn 2.730 tỷ đồng từ sản xuất, kinh doanh điện. Lượng điện thương phẩm ghi nhận gần 175 tỷ kWh. Giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2017 là 1.667 đồng một kWh, tăng 0,15% so với năm 2016. Ngoài ra, vẫn còn trên 5.000 tỷ đồng chưa được đưa vào giá thành sản xuất điện năm 2017.
Phương Dung