Trong bối cảnh dịch Covid-19 gây khủng hoảng kinh tế toàn cầu, Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới kinh tế tăng trưởng dương; trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, tăng trưởng GDP của Việt Nam chỉ đứng sau Trung Quốc - nền kinh tế có quy mô rất lớn.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá Việt Nam là nền kinh tế tăng trưởng dương duy nhất trong ASEAN với GDP năm 2020 và 2021 lần lượt đạt tăng trưởng 1,6% và 6,7%. Với mức tăng này, quy mô GDP của Việt Nam năm 2020 ước tính đạt 340,6 tỷ USD, lần đầu tiên trong lịch sử vượt Singapore (337,5 tỷ USD), Malaysia (336,3 tỷ USD), đứng thứ 4 ở khu vực ASEAN.
Quy mô GDP của Việt Nam năm 2020 ước tính đạt 340,6 tỷ USD, lần đầu tiên trong lịch sử vượt Singapore (337,5 tỷ USD)
Trao đổi với PV Dân trí bên hành lang Quốc hội sáng nay (4/11), ông Đỗ Văn Sinh - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - đánh giá: “Đây là thành công rất lớn của Việt Nam. Tôi đánh giá rất cao điều hành chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ của Chính phủ thời gian qua, từ việc“bơm” tiền tới thu hút đầu tư, ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy mức thu ngân sách và thu nhập của người dân có bị giảm sút nhưng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vẫn kiểm soát được, dự trữ ngoại hối tăng lên và tỷ giá ngoại tệ biến động không đáng kể”.
Tuy nhiên, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng cho rằng phải đặt ra vấn đề là tăng trưởng kinh tế có bền vững hay không? Đây là vấn đề rất đáng lưu ý để đạt được tăng trưởng bền vững và thực sự mang lại thu nhập của người dân, chứ không phải kinh tế “tăng trưởng hộ”.
Giải thích về “tăng trưởng hộ”, ông Sinh cho biết đó là tăng trưởng rất cao nhưng các nhà đầu tư FDI lại mang hết lợi nhuận về nước họ. Đây là vấn đề rất quan trọng, đòi hỏi phải cân đối để tăng trưởng chất lượng và mang lại lợi ích cho người dân, đời sống người dân tốt hơn.
“Hiện nay, trong lĩnh vực công nghệ, nhà đầu tư nước ngoài chỉ chọn Việt Nam là nơi lắp ráp; may mặc hay dược Việt Nam cũng nhập nguyên liệu về nên lợi nhuận không nhiều. Rõ ràng, Việt Nam chỉ là nơi gia công trong chuỗi kinh tế của các nhà đầu tư. Có nghĩa là Việt Nam có tăng trưởng thật nhưng giá trị để lại cho người dân Việt Nam thì không nhiều” - ông Sinh cho hay.
Theo ông Sinh, Việt Nam phải có giải pháp để khắc phục trong thời gian tới, Việt Nam không nên là đất nước gia công nữa mà phải chủ động nghiên cứu các dây chuyền sản xuất, phải có phát minh của mình và do mình làm chủ.
Ông Đỗ Văn Sinh - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (ảnh: Quốc Chính)
“Quy mô nền kinh tế Việt Nam đứng thứ 4 ASEAN nhưng thực sự năng suất lao động của chúng ta thế nào? Thu nhập bình quân đầu người ra sao?” - ông Sinh nói và cho biết: “Thu nhập bình quân đầu người ở Singapore là mấy chục nghìn USD/người, trong khi ở Việt Nam chỉ là 2.750 USD/người. Vì vậy phải nhìn vào thực chất của vấn đề xem tăng trưởng đó có nâng cao được đời sống của người dân hay không, đây là vấn đề quan trọng”.
Về thu nhập bình quân đầu người, năm 2019 Singapore đạt hơn 69.000 USD/người, còn Việt Nam báo cáo mới nhất của Chính phủ gửi Quốc hội dự kiến đạt mức 2.750 USD/người trong năm 2020. Câu hỏi đặt ra ở đây là: So sánh GDP Việt Nam và Singapore liệu có “khập khiễng” về giá trị tăng trưởng và thu nhập bình quân đầu người?
Trả lời câu hỏi nói trên, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho hay: “Mọi sự so sánh đều là khập khiễng, bởi thu nhập của họ cao thì họ chi dùng cũng cao. Tôi được biết thời gian tới Chính phủ sẽ đánh giá lại chỉ số GDP tăng thêm khoảng 25%”.
Ông Sinh cũng cho biết thêm: Trong cả nhiệm kỳ này, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt “đỉnh” nhất là năm 2019 với mức 7,09%. Đó là năm điểm cuối của nhiệm kỳ và tất cả mọi thứ đều “chạy” trơn tru. Năm 2021, nếu đánh giá lại để đẩy chỉ tiêu tăng trưởng GDP từ 6% lên 7,5% thì tôi cho rằng đó là một thách thức, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam là nền kinh tế mở nhưng tình hình dịch Covid-19 trên thế giới chưa biết thời điểm kết thúc.
Châu Như Quỳnh