Sau cuộc gặp tại Weissenhaus trên biển Baltic, các nhà ngoại giao từ Anh, Canada, Đức, Pháp, Ý, Nhật Bản, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) cam kết tiếp tục hỗ trợ quân sự và quốc phòng cho Ukraine đến "chừng nào còn cần thiết".
Ngoài ra, tuyên bố chung của các nhà ngoại giao G7 còn cho biết sẽ giải quyết tình trạng cung cấp lương thực trên thế giới do các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga. Đồng thời, họ kêu gọi Trung Quốc không hỗ trợ hay ủng hộ Moscow. "Chúng ta đã làm giảm thiểu hậu quả của cuộc chiến này chưa? Đây không phải là cuộc chiến của chúng tôi nhưng chúng tôi có trách nhiệm toàn cầu ", Ngoại trưởng Đức - Annalena Baerbock nói.
Các nhà ngoại giao G7 cho biết sẽ giải quyết tình trạng cung cấp lương thực trên thế giới do các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga (Ảnh: Reuters). |
Chìa khóa gây thêm áp lực cho Nga là các nước thành viên EU từ chối mua dầu mỏ từ Nga. EU dự kiến thỏa thuận này sẽ đạt được vào tuần tới ngay cả khi Hungary "lắc đầu", theo CNBC. "Chúng tôi đang nỗ lực giảm bớt và chấm dứt sự phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng từ Nga", G7 đưa ra tuyên bố.
Đồng thời, các ngoại trưởng cho biết họ sẽ bổ sung các biện pháp trừng phạt nhằm vào giới tinh hoa Nga, bao gồm các thành phần kinh tế, tổ chức thuộc chính phủ và quân đội. Với sự tham gia của cả ngoại trưởng Ukraine và Moldova, cuộc họp cũng nhấn mạnh đến vấn đề an ninh lương thực và nỗi lo xung đột sẽ lan sang các nước láng giềng như Moldova.
"Nhiều người ở châu Phi và Trung Đông sẽ chết đói khi tình trạng thiếu lương thực kéo dài. Chúng ta đang phải đối mặt với câu hỏi là làm thế nào để nuôi sống người dân trên thế giới. Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta không có ngũ cốc từ Nga và Ukraine như trước đây", Ngoại trưởng Đức - Annalena Baerbock nói.
Bà Annalena Baerbock cho biết, nhóm G7 sẽ tìm mọi giải pháp để đưa các mặt hàng thiết yếu ra khỏi kho lưu trữ của Ukraine trước khi vào vụ thu hoạch tới.
An Chi