Fica
  1. Thời sự

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã “bết bát” lại thêm “lụt” vì dịch Covid-19

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 làm chậm tiến độ vận hành thử và bàn giao dự án cho TP Hà Nội theo kế hoạch đề ra.

Chiều 27/3, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể và một số bộ, ngành liên quan có buổi làm việc về các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn Thủ đô.

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông là dự án thu hút sự quan tâm lớn nhất của các các đơn vị, bởi đây là tuyến đường sắt trên cao đầu tiên của Việt Nam và có ý nghĩa quan trọng.

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ, sau khi hoàn thành dự án, Hà Nội sẽ tiếp nhận quản lý, khai thác tuyến đường sắt, đồng thời tiếp nhận nghĩa vụ vay và trả nợ khoản vay đầu tư dự án.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan nên dự án chậm tiến độ. Vì vậy, Hà Nội và Bộ GTVT mong muốn làm việc với các bộ, ngành để bàn thảo, thống nhất các giải pháp tháo gỡ. 

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã “bết bát” lại thêm “lụt” vì dịch Covid-19 - 1

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông do Tổng thầu Trung Quốc (ảnh: Toàn Vũ)

Bí thư Vương Đình Huệ đề nghị: “Nội dung nào thuộc thẩm quyền của đơn vị nào thì đơn vị đó giải quyết. Với những vấn đề vượt thẩm quyền, cần thống nhất báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét giải quyết, tháo gỡ để sớm đưa vào vận hành, sử dụng.

Về phía Bộ GTVT, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết vướng mắc nhất hiện nay của dự án là thanh toán, quyết toán; nhất là việc tuân thủ kết luận liên quan của Kiểm toán Nhà nước đã ảnh hưởng tới tiến độ mà tới nay hai bên chưa đạt được thống nhất chung.

Trong khi đó, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 cũng làm chậm tiến độ vận hành thử và bàn giao dự án cho TP Hà Nội theo kế hoạch đề ra.

Trước khó khăn này, lãnh đạo các bộ, ngành cho biết dự án đã nhận được sự quan tâm của lãnh đạo cấp cao nhất của Đảng, Nhà nước của Trung Quốc và Việt Nam nhằm thúc đẩy hiệp thương của các đơn vị liên quan, đảm bảo công bằng, khách quan, đáp ứng nhu cầu đi lại thuận lợi của người dân Thủ đô.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đề nghị thành lập tổ công tác phân loại các công việc của dự án, Thứ trưởng Bộ GTVT làm Tổ trưởng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội làm Tổ phó và thành viên là lãnh đạo một số bộ, ngành.

Tổ công tác sẽ xây dựng kế hoạch, phân loại các công việc của ban quản lý dự án, tổng thầu, từng bộ, ngành và TP Hà Nội, báo cáo Chính phủ quyết định, nhằm nghiệm thu, bàn giao và vận hành có điều kiện, thúc đẩy dự án đi vào hoạt động.

“Đây là dự án quan trọng quốc gia, cần thúc đẩy đi vào hoạt động nhằm giảm thiểu tổn thất, lãng phí và có ý nghĩa quan trọng trong đối ngoại” - Bí thư Hà Nội nhấn mạnh.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông bắt đầu được thực hiện từ tháng 10/2011, tổng mức đầu tư hơn 18.000 tỷ đồng bằng vốn vay ODA của Trung Quốc theo Hiệp định khung ký ngày 30/5/2008 giữa hai Chính phủ Việt Nam - Trung Quốc.  

Tổng thầu EPC là Công ty TNHH Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc và tư vấn giám sát (TVGS) thi công là Công ty TNHH GSXD Viện nghiên cứu thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh.

Cần phải nói thêm rằng, ban đầu Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông có kế hoạch hoàn thành vào cuối năm 2017 nhưng “lỡ hẹn” và phải lùi thời hạn vận hành sang năm 2018. Tình trạng “lụt” tiến độ đã một lần nữa khiến cho kế hoạch vận hành dự án này bị “phá sản”, Tổng thầu Trung Quốc “hứa hẹn” sẽ khai thác vào tháng 4/2019 nhưng tới hết năm tuyến đường sắt vẫn không thể đưa vào khai thác do Tổng thầu không thực hiện đúng cam kết.  

Hồi tháng 1/2020, Tổng thầu EPC và Tư vấn giám sát đã cho các nhân sự thực hiện Dự án về Trung Quốc để nghỉ Tết Nguyên đán Canh tý 2020, dự kiến sẽ trở lại Việt Nam tiếp tục làm việc để hoàn thành Dự án từ ngày 1/2/2020.

Tuy nhiên, do dịch Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc nên nước này không cho công dân xuất cảnh, Việt Nam cũng đã “đóng cửa” đường bay. Hiện phía Tổng thầu Trung Quốc mới chỉ có 4 nhân sự có hộ chiếu công vụ đã quay trở lại Việt Nam.

Châu Như Quỳnh