Fica
  1. Thời sự

Dự báo xuất khẩu thuỷ sản sẽ gặp khó khăn trong năm 2023

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam đạt mốc 11 tỷ USD, là “điểm sáng” trong bức tranh xuất khẩu nông nghiệp của Việt Nam năm 2022. Tuy nhiên, một số dự báo cho thấy bước sang năm 2023, xuất khẩu thuỷ sản sẽ gặp không ít khó khăn.

Bà Lê Hằng - Giám đốc Truyền thông, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), đã cho biết như vậy khi trả lời phỏng vấn phóng viên TBTCVN về cơ hội, thách thức của ngành thủy sản năm 2023.

*PV: Thưa bà, năm 2022, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 11 tỷ USD, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 22,2% so kế hoạch. Đây là con số cao nhất từ trước đến nay ngành đạt được. Bà bình luận gì về kết quả này?

- Bà Lê Hằng: Năm 2022 có nhiều biến động và khó khăn đối với xuất nhập khẩu, trong đó có ngành thuỷ sản. Tuy nhiên, các doanh nghiệp thuỷ sản Việt Nam đã biến thách thức thành cơ hội, tận dụng lợi thế của các hiệp định thương mại tự do cũng như nhu cầu của thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu và đạt kết quả ấn tượng. Nhờ đó, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 11 tỷ USD, trong đó, tôm mang về 4,3 tỷ USD, cá tra đạt 2,4 tỷ USD, cá ngừ và hải sản khác lần lượt mang về 1 tỷ USD và 3,2 tỷ USD.

Đây là mốc kỷ lục lịch sử ngành thuỷ sản Việt Nam sau hơn 20 năm tham gia vào thị trường thế giới và kết quả nỗ lực của các bên liên quan trong chuỗi giá trị cung ứng ngành thủy sản, trong đó có các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản. Với kết quả của năm 2022, ước tính thuỷ sản Việt Nam sẽ chiếm trên 7% thị phần trên thị trường thế giới.

 
 

*PV: Thưa bà, Trung Quốc vừa mở cửa biên giới sau 3 năm đóng cửa vì Covid-19, thủy sản được xem là ngành “bùng nổ” trong thời gian tới với nhiều mặt hàng kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh so với năm 2022. Bà có thể phân tích cụ thể lợi thế của các mặt hàng xuất khẩu thủy sản từ cơ hội trên?

- Bà Lê Hằng: Trong bối cảnh lạm phát toàn cầu gia tăng, Trung Quốc sẽ là điểm đến tiềm năng nhất của doanh nghiệp thủy sản Việt Nam trong năm 2023 nhờ nhu cầu bùng nổ, vị trí địa lý gần, chi phí logistics và rủi ro thấp hơn các thị trường khác. Khi Trung Quốc mở cửa, nhu cầu tiêu thụ thủy sản sẽ bùng nổ trong khi nguồn nguyên liệu nội địa của nước này khó đáp ứng kịp vì chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19.

Trong các mặt hàng xuất khẩu, cá tra sẽ có lợi hơn tôm do doanh nghiệp có sẵn quan hệ thương mại với các đối tác Trung Quốc, cá tra Việt Nam có thể lấp đầy khoảng trống cá thịt trắng từ Nga trong bối cảnh xung đột chính trị vẫn chưa đến hồi kết.

Không những vậy, thời gian gần đây, người tiêu dùng Trung Quốc có xu hướng tiêu thụ cá tra và các loại cá nước ngọt khác nhiều hơn cá rô phi, đây cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp gia tăng xuất khẩu. Đối với mảng tôm, Trung Quốc nhập khẩu lượng lớn nhưng tôm Việt Nam khó cạnh tranh ở Trung Quốc ở cả phân khúc cao cấp và nguyên liệu. Do vậy, các doanh nghiệp chủ yếu xuất khẩu sản phẩm giá trị gia tăng sang các thị trường tiềm năng khác như Nhật Bản, châu Âu...

*PV: Thực tế, cơ hội luôn đi liền với thách thức. Mới đây, theo kết quả khảo sát, có 71% số doanh nghiệp cho rằng ngành thuỷ sản năm 2023 sẽ gặp khó khăn trong sản xuất, chế biến và xuất khẩu. Bà nhận định như thế nào về thị trường thủy sản trong năm 2023 và doanh nghiệp phải làm gì để vượt qua khó khăn đó cũng như duy trì đà tăng trưởng năm qua?

- Bà Lê Hằng: Năm 2023 ngành thủy sản đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Những lợi thế về thị trường trong quý IV/2022 và quý I/2023 sẽ không còn vì lạm phát đã “ngấm sâu” vào các lĩnh vực tiêu thụ trên thị trường thế giới, xuất khẩu trong quý I/2023 sẽ bị sụt giảm. Hiện nay các đơn hàng gần như bị sụt giảm rất mạnh, nhiều doanh nghiệp không nhận được đơn hàng cho cho quý I/2023.


Việt Nam có nhiều thị trường để xuất khẩu sản phẩm của ngành thủy sản là Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc. Riêng thị trường Mỹ, lần đầu tiên xuất khẩu thủy sản đạt kim ngạch trên 2 tỷ USD. Thời gian tới, các đơn vị liên quan sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục tìm kiếm cơ hội và giao thương với thị trường Mỹ. Đối với thị trường Trung Quốc và châu Âu, doanh nghiệp thủy sản Việt Nam sẽ tập trung các chương trình về nghiên cứu, xúc tiến thương mại, tạo điều kiện hợp tác song phương nhiều hơn.

Nguyên nhân chủ yếu của sự sụt giảm đơn hàng của ngành thủy sản là do biến động về tỷ giá, lạm phát khiến nguồn chi của người tiêu dùng bị thắt chặt. Trong khi đó, doanh nghiệp trong nước gặp khó vì thiếu vốn, lại thêm khó tiếp cận vốn vay ngân hàng. Đặc biệt, cơ cấu vốn nguyên liệu của những công ty thủy sản nhỏ và vừa chiếm tới 80%. Nếu doanh nghiệp không đủ vốn để mua nguyên liệu dẫn đến doanh nghiệp chậm trễ đơn hàng cho khách hàng.

Đồng thời, nền kinh tế thế giới suy thoái, lạm phát tăng dẫn đến nhu cầu tiêu thụ giảm; doanh nghiệp còn chịu sự cạnh tranh từ những đối thủ xuất khẩu mặt hàng thủy sản với chi phí thấp và giá bán rẻ hơn như Ecuador hay Ấn Độ. Lượng hàng tồn kho tăng, trong khi đó, khâu bảo quản, logistics của phần lớn doanh nghiệp trong ngành vẫn còn hạn chế.

Chúng tôi cũng hy vọng từ quý II/2023 hoặc ít nhất là nửa cuối năm 2023 nhu cầu thị trường sẽ hồi phục, kinh tế của các nước hồi phục lại dần dần, khi đó chúng ta cũng có đà để thúc đẩy xuất khẩu trở lại.

Trước bối cảnh dự báo ngành thuỷ sản sẽ gặp khó khăn trong năm 2023, các doanh nghiệp cần chuẩn bị sẵn sàng nguồn nguyên liệu và nguồn lực, sẵn sàng trở lại sản xuất khi thị trường hồi phục. Đồng thời, doanh nghiệp cần tận dụng khoảng thời gian này để chuẩn bị tốt hơn cho các hoạt động sản xuất, củng cố tài chính, điều chỉnh chi phí sản xuất một cách tối ưu, nâng cao chất lượng sản phẩm để sẵn sàng phục hồi trong giai đoạn sắp tới.

*PV: Xin cảm ơn bà!

Năm 2023, ngành thủy sản đề ra mục tiêu xuất khẩu đạt 10 tỷ USD

Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đề ra mục tiêu, năm 2023, tổng sản lượng thủy sản đạt khoảng 8,74 triệu tấn, bằng 96,7% so với ước thực hiện năm 2022. Trong số đó, sản lượng khai thác khoảng 3,58 triệu tấn, nuôi trồng 5,16 triệu tấn. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 10 tỷ USD.

Bàn về vấn đề vì sao ngành thủy sản chỉ đặt mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD, các chuyên gia nhận định, yếu tố chi phối nhất đến xuất khẩu là thị trường. Do đó, sự bất ổn của thị trường nhập khẩu sẽ khiến cho kim ngạch xuất khẩu năm 2023 không đạt được mức kỷ lục như năm 2022, với khả năng lạc quan là 10 tỷ USD. Đó là sự lạc quan vào những tín hiệu tích cực từ thị trường Trung Quốc, sau khi nước này chính thức bỏ kiểm soát, kiểm dịch đối với người và hàng hóa nhập cảnh sau hơn 2,5 năm kiểm tra ngặt nghèo theo chính sách “zero Covid”. Ngoài ra, thủy sản Việt Nam vẫn có thể giữ hoặc tăng thị phần tại các thị trường khác như ASEAN, Trung Đông…là những thị trường có nền kinh tế ít bị ảnh hưởng hơn so với các thị trường lớn khác.

 

Theo Khánh Linh

Thời báo Tài chính Việt Nam