Fica
  1. Thời sự

Dự án thép "khủng" thua lỗ: "Tắc" trong tranh chấp với tổng thầu Trung Quốc

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Tại dự án gang thép nghìn tỷ Thái Nguyên, hợp đồng EPC giữa TISCO và Tổng thầu MCC của Trung Quốc có nhiều vướng mắc đến nay vẫn chưa giải quyết được.

Chính phủ mới đây đã có báo cáo về tình hình và kết quả xử lý tồn tại, yếu kém của các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương.

Đáng chú ý, một số dự án có vướng mắc lớn trong quá trình xử lý tranh chấp hợp đồng EPC với tổng thầu Trung Quốc. Trong số này, có dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO).

Báo cáo cho biết, chủ đầu tư dự án là Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO) do Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP góp 65% vốn điều lệ; tổng mức đầu tư ban đầu là 3.843 tỷ đồng, sau này điều chỉnh lên hơn 8.104 tỷ đồng.

Dự án đầu tư, xây dựng dở dang, dừng thi công từ đầu năm 2013, gặp khó khăn trong thu xếp vốn để tiếp tục triển khai đầu tư, xây dựng. Đáng lưu ý, hợp đồng EPC giữa TISCO và Tổng thầu MCC của Trung Quốc có nhiều vướng mắc chưa giải quyết được.

Dự án thép khủng thua lỗ: Tắc trong tranh chấp với tổng thầu Trung Quốc - 1

Ngoài gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, trong tổng số 12 dự án thua lỗ kém hiệu quả, còn có 4 dự án, doanh nghiệp có tranh chấp, vướng mắc hợp đồng EPC.

Theo Đề án 1468 có 3 phương án xử lý được đề ra đối với dự án này, đó là: Bán dự án; Kêu gọi doanh nghiệp, nhà đầu tư góp vốn đầu tư Dự án; Thoái vốn nhà nước và tái cơ cấu TISCO.

Trong đó, báo cáo cho biết ưu tiên lựa chọn phương án 3, tức là thoái vốn nhà nước, tái cơ cấu TISCO. Hiện nay cũng đang thực hiện theo phương án này.

Tại Thông báo số 132 của Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo: Tổng công ty Thép Việt Nam chỉ đạo hoàn thiện phương án thoái vốn nhà nước tại TISCO theo hai trường hợp: Trường hợp giải quyết xong tranh chấp hợp đồng EPC và giải chấp được bảo lãnh của Tổng công ty Thép Việt Nam cho TISCO tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam và trường hợp không giải quyết được hai vướng mắc này.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước, Tổng công ty Thép Việt Nam và TISCO, đến nay việc giải quyết tranh chấp hợp đồng EPC với Tổng thầu MCC của Trung Quốc không thực hiện được; Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam đã từ chối giải chấp nghĩa vụ bảo lãnh của Tổng công ty Thép Việt Nam cho TISCO tại Ngân hàng này.

Về hướng xử lý trong giai đoạn tới, báo cáo của Chính phủ cho biết, để thực hiện phương án thoái vốn của Vnsteel tại TISCO theo trường hợp thứ 2 ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng, cần làm rõ: Văn bản pháp lý áp dụng cho việc thoái vốn (Nghị định số 91/2015/NĐ-CP, Nghị định số 32/2018/NĐ-CP, Điều 31 Luật số 69/2014/QH13); Thẩm quyền quyết định việc thoái vốn; Việc xử lý đối với các mỏ sắt mà TISCO đang quản lý.

Tại Phiên họp lần thứ 9 của Ban Chỉ đạo, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình - Trưởng ban Chỉ đạo giao Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp - hoàn thiện Tờ trình riêng đối với dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO). Trong đó, xem xét việc mời Công ty Mua bán nợ Việt Nam cùng tham gia phương án tái cơ cấu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Phương án đang được dự thảo, hoàn thiện để báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Dự kiến trong tháng 6, Ban Chỉ đạo họp phiên thứ 10 tập trung vào việc xem xét đối với dự án này.

Bên cạnh vướng mắc với Tổng thầu Trung Quốc, dự án này cũng có khó khăn trong việc giải quyết khoản bảo lãnh với ngân hàng. Trước đó, Tổng công ty Thép Việt Nam phải bảo lãnh đối với khoản vay của TISCO cho Dự án, tuy nhiên Ngân hàng Vietinbank từ chối việc giải phóng nghĩa vụ bảo lãnh của Tổng công ty Thép Việt Nam đối với khoản vay này.

Đến hết năm 2019, theo báo cáo tài chính trước kiểm toán vốn chủ sở hữu là 1.890 tỷ đồng, tổng tài sản là 9.097 tỷ đồng, tổng nợ phải trả là 7.133 tỷ đồng, lãi 52 tỷ đồng.

“Mặc dù Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 vẫn còn xây dựng dở dang nhưng về tổng thể, TISCO vẫn có lợi nhuận, nộp ngân sách, giải quyết được công ăn việc làm cho người lao động”, báo cáo của Chính phủ cho biết.

Tuy nhiên, do bị ảnh hưởng từ Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 nên kết quả sản xuất, kinh doanh của TISCO ngày một giảm dần. Hiện nay, cơ quan Cảnh sát Điều tra, Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại dự án; khởi tố, bắt tạm giam đối với 05 bị can.

Ngoài gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, trong tổng số 12 dự án thua lỗ kém hiệu quả, còn có 4 dự án, doanh nghiệp có tranh chấp, vướng mắc hợp đồng EPC.

Cụ thể là các dự án: Dự án xây dựng Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai, Dự án cải tạo - mở rộng Nhà máy Phân đạm Hà Bắc, Dự án nhà máy đạm Ninh Bình, Dự án Xây dựng Nhà máy công nghiệp tàu thủy Dung Quất.

Trước tình thế này, có 2 giải pháp xử lý được nêu ra là: Đưa ra trọng tài hoặc tòa án để phân xử, chủ đầu tư tự quyết toán theo quy định của Thông tư 64 đối với trường hợp nhà thầu không thực hiện quyết toán hợp đồng theo quy định hoặc không thực hiện các nội dung công việc để hoàn thành quyết toán.

Đối với giải pháp đưa ra phân xử thông qua trọng tài hoặc tòa án, các doanh nghiệp đã thuê tư vấn pháp lý, sau khi nghiên cứu hồ sơ, tư vấn đã khuyến cáo việc khởi kiện để xử lý tranh chấp Hợp đồng EPC (nhất là 3 dự án thuộc Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam) sẽ không thuận lợi và khả năng thắng kiện thấp, chi phí theo đuổi vụ kiện lớn, có thể chi phí cho việc phải trả tiền cho các nhà thầu khi thua kiện cộng với chi phí theo đuổi vụ kiện sẽ cao hơn tổng số tiền đang còn tranh chấp trong các hợp đồng EPC.

Nguyễn Khánh

Tin liên quan