Nhà máy Nhiệt điện Thăng Long, một dự án của tư nhân làm chủ đầu tư, được thi công rất nhanh chóng (Ảnh minh họa)
“Công trình do tư nhân làm giá thấp hơn”
Đặt câu hỏi chất vấn trên Nghị trường Quốc hội chiều 4/6, đại biểu Bùi Văn Phương - Phó trưởng đoàn Ninh Bình hỏi lý do các công trình xây dựng dùng vốn ngân sách Nhà nước giá thành cao hơn nhiều lần so với công trình tương tự do tư nhân làm.
Thừa nhận bất cập này, ông Phạm Hồng Hà cho biết, giá thành các công trình xây dựng sử dụng vốn nhà nước thường cao hơn công trình của tư nhân nguyên nhân là công trình của tư nhân thường quản lý chặt chẽ hơn công trình sử dụng vốn nhà nước và họ tiếp cận các nguồn vật tư, nguyên vật liệu một cách trực tiếp với các đơn vị sản xuất và giá thành hợp lý hơn.
“Họ tiết kiệm được một số chi phí quản lý chung. Vì vậy nên giá thành của tư nhân có thể thấp hơn giá thành của các công trình sử dụng vốn nhà nước”, ông nói.
Không chỉ câu chuyện đơn giá thấp hơn, hiệu quả kinh tế cao hơn, những công trình hạ tầng do tư nhân làm ngày càng được đánh giá cao về mặt chất lượng cũng như tiến độ thực hiện. Theo đó, nhiều chuyên gia kinh tế khuyến nghị cần thay đổi tư duy theo hướng ủng hộ tư nhân làm các dự án hạ tầng quan trọng quốc gia.
Theo ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội để phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, bên cạnh việc tiếp tục các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh thực chất thì cũng cần tiếp tục khuyến khích tham gia đầu tư, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, năng lượng thông qua mô hình hợp tác công tư (PPP).
Thực tế thời gian qua một số công trình hạ tầng mang tính kết nối do các tập đoàn kinh tế tư nhân trong nước đầu tư bảo đảm tiến độ, chất lượng như cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, cao tốc Vân Đồn - Hạ Long - Hải Phòng, cầu Bạch Đằng. Hay trong lĩnh vực công nghiệp như nhà máy nhiệt điện Thăng Long (công suất 600MW) của Geleximco, nhà máy sản xuất ô tô Vinfast của Vingroup…
Theo đó, ông Vũ Hồng Thanh cho rằng trong bối cảnh nguồn vốn nhà nước có những khó khăn nhất định cần ủng hộ mạnh mẽ tư nhân tham gia các dự án hạ tầng lớn như cao tốc Bắc Nam phía đông, sân bay quốc tế Long Thành.
“Ví dụ 8 dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc - Nam được Quốc hội quyết định đầu tư theo PPP, cần có chính sách lựa chọn nhà đầu tư phù hợp để tư nhân trong nước có thể tham gia. Sự tham gia có hiệu quả của tư nhân vào quá trình phát triển kinh tế, xã hội sẽ dần hình thành một nền kinh tế độc lập, tự chủ, ít phụ thuộc bên ngoài”, ông Thanh đánh giá.
“Đã đến lúc mở hết cơ chế để tư nhân làm”
Trao đổi với báo chí bên hàng lang Quốc hội, Đại biểu Đỗ Văn Sinh, Ủy viên thường trực UB Kinh tế của Quốc hội ch rằng, đã đến lúc cần mở hết mọi cơ chế, chính sách để kinh tế tư nhân phát triển.
“Đó là xu thế tất yếu. Tất cả các nước phát triển hiện nay đều phải dựa vào kinh tế tư nhân. Đối với Việt Nam, thực tế đã chứng minh rằng, kinh tế nhà nước hiện nay có hiệu quả thấp hơn so với kinh tế tư nhân và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Từ định hướng lớn như vậy, cần xác định kinh tế tư nhân sẽ là xương sống, trong từng chính sách cụ thể, nhà nước phải hướng tới thực hiện mục tiêu đó”, ông nói.
Nhà máy Bột giấy An Hòa, một dự án hiệu quả của doanh nghiệp tư nhân (Ảnh minh họa)
Để huy động các nguồn lực tư nhân tham gia phát triển kinh tế được triển khai đã nhiều năm, tiêu biểu như trong lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng, đại biểu cho rằng, vấn đề là phải cải cách từ thể chế. “Phải có quy định hỗ trợ tư nhân tham gia vào lĩnh vực này trong bối cảnh các doanh nghiệp tư nhân hiện vẫn có những điểm yếu thế so với các thành phần kinh tế khác”, ông nói thêm.
Một số chuyên gia cũng cho rằng, việc doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào các dự án mà nhà nước đã nghiên cứu, quyết định cần thiết phải đầu tư, đặc biệt là dự án lớn, dự án trọng điểm, dự án có lợi cho nền kinh tế quốc dân là vấn đề hết sức quan trọng cần phải khuyến khích”. Ví dụ như hiện mới chỉ có Nhiệt điện Thăng Long là dự án nhiệt điện đầu tiên tại Việt Nam do tư nhân làm.
Tuy nhiên, nếu để doanh nghiệp tư nhân tham gia ngành này, một dự án được đưa vào hoạt động không chỉ giải quyết công ăn việc làm, đóng góp thêm hàng trăm tỷ đồng cho ngân sách địa phương, mà còn góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Dưới góc độ chuyên gia có nhiều tâm huyết với kinh tế tư nhân, trong một bài viết, bà Phạm Chi Lan cho rằng, trong những năm gần đây, đã có hàng loạt công ty nổi lên với những thành tựu rất ấn tượng trong các lĩnh vực đầu tư công nghiệp và xây dựng. Sau những bỡ ngỡ ban đầu, các doanh nghiệp Việt đã dần tham gia làm đủ loại công trình, từ đường xá, cầu cống, đến nhà máy điện, các công trình công nghiệp, thủy lợi…
Vị chuyên gia cho rằng, các nhà đầu tư tư nhân trong nước hoàn toàn có thể tham gia các dự án BOT lớn. “Các nhà đầu tư tư nhân trong nước, tôi tin trong số họ có những nhà đầu tư có năng lực, có sức trẻ, lại có lòng yêu nước, có ý chí tự cường, có khát vọng vươn lên, chắc chắn đủ khả năng tham gia và làm tốt các dự án này. Hãy để cho họ có cơ hội tiếp tục lớn mạnh lên đặng phát huy vai trò động lực quan trọng trong gánh vác sự nghiệp xây dựng non sông đất nước của chúng ta”, bà viết.
Phương Dung