Fica
  1. Thời sự

  2. Đầu tư

Dốc gần 2.000 tỷ đồng xây đường băng sân bay rồi… “đắp chiếu” (?!)

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Dự án đường băng số 2 sân bay Cam Ranh có tổng mức đầu tư gần 2.000 tỷ đồng, đã hoàn thành và nghiệm thu đảm bảo điều kiện khai thác. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn “đắp chiếu” bỏ đó do tỉnh Khánh Hòa chưa bàn giao, trong khi đường băng sân bay hiện hữu kém nhất cả nước.

Đường cất-hạ cánh (đường băng) số 2 Cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh (CHK) do UBND tỉnh Khánh Hòa làm chủ đầu tư, sử dụng nguồn vốn từ ngân sách. Dự án chia làm 2 giai đoạn, là một trong những dự án trọng điểm của tỉnh Khánh Hòa trong giai đoạn 2016 - 2020. 

Theo thiết kế, đường băng số 2 có chiều dài 3.048m, rộng 45m, đạt tiêu chuẩn cấp 4E, đáp ứng khai thác an toàn, hiệu quả các loại máy bay chở khách cỡ lớn như: Airbus 320, 321, Boeing 767, 777, được cải thiện một số chỉ tiêu kỹ thuật để tiếp nhận loại máy bay thân rộng như Boeing 787, Airbus 350. 

Đường băng số 2 đã thi công xong từ cuối năm 2018, giai đoạn 1 của dự án đã hoàn thành. Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã nghiệm thu đủ đảm bảo điều kiện, an toàn khai thác từ tháng 5.

Tuy nhiên, đến nay dự án đường băng gần 2.000 tỷ đồng vẫn chưa được khai thác do tỉnh Khánh Hòa chưa bàn giao.   

Dốc gần 2.000 tỷ đồng xây đường băng sân bay rồi… “đắp chiếu” (?!) - 1

Đường băng số 2 sân bay Cam Ranh đã hoàn thành và nghiệm thu xong từ tháng 5/2019

Trao đổi với PV Dân trí, ông Đinh Việt Thắng - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam  khẳng định sự cấp bách trong khai thác của sân bay Cam Ranh, phải sớm đưa vào sử dụng đường băng số 2 mới. Sân bay Cam Ranh đang quá tải nghiêm trọng và đường băng số 1 được khai thác từ năm 2004 đang bị xuống cấp, gây nguy cơ mất an toàn hàng không.

“Đường băng số 1 hiện tại đang khai thác kém nhất trên toàn quốc. Đường băng số 2 đã xây xong, Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông đã nghiệm thu, Cục Hàng không đã kiểm tra, tài liệu về đường băng và công bố quốc tế về việc khai thác đường băng này, tuy nhiên thời gian đưa vào khai thác đường băng này vẫn phải lùi đi lùi lại nhiều lần, mà nguyên nhân chủ yếu liên quan đến vấn đề bàn giao tài sản.” - ông Thắng cho biết.

Cục trưởng Cục Hàng không nhấn mạnh, thực chất việc cần thiết nhất bây giờ là bàn giao đường băng để khai thác chứ không phải bàn giao tài sản, bởi việc hình thành giá trị tài sản chỉ được đánh giá đầy đủ khi dự án hoàn thành xong cả giai đoạn 2 theo phê duyệt đầu tư. Khi đó, bàn giao tài sản như thế nào do Chính phủ quyết định.

Trên thực tế, đường băng sân bay Cát Bi - TP.Hải Phòng do Hải Phòng làm chủ đầu tư, sau khi hoàn thành đã bàn giao khai thác cho Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) từ năm 2016. Sân bay Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh) - sân bay tư nhân đầu tiên tại Việt Nam, hiện hệ thống điều hành vẫn chưa quyết toán xong nhưng chủ đầu tư đã bàn giao cho Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam quản lý, khai thác để đảm bảo hiệu quả và an ninh, an toàn hàng không.

Một chuyên gia hàng không cho rằng, trong khi nhu cầu quá cấp bách, nhưng một tài sản trị giá mấy nghìn tỷ thi công xong, đủ điều kiện khai thác sử dụng nhưng vẫn phải “nằm chờ” chỉ vì câu chuyện trách nhiệm của ai, phân tách tài sản như thế nào. Rõ ràng điều này là không bình thường và rất lãng phí. 

Dốc gần 2.000 tỷ đồng xây đường băng sân bay rồi… “đắp chiếu” (?!) - 2

Sân bay Cam Ranh đang quá tải nghiêm trọng, đường băng số 1 khai thác từ năm 2004 đã xuống cấp, nhưng đường băng số 2 mới đã xây dựng xong vẫn chưa được đưa vào khai thác

Trong một diễn biến có liên quan, chiều 17/9, trong cuộc họp liên quan đến việc đầu tư, nâng cấp các cảng hàng không tại Bộ GTVT, Cục trưởng Cục Hàng không Đinh Việt Thắng đã đề xuất phương án tạm bàn giao đường băng cho Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) khai thác sớm.

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể ủng hộ phương án sớm bàn giao khai thác đường băng mới này và cho rằng: “Bàn giao khai thác và chuyển tài sản là hoàn toàn độc lập. Đưa vào khai thác đường băng này là cần thiết và cấp bách giúp đảm bảo an toàn bay tại sân bay Cam Ranh. Việc chậm đưa vào khai thác đường băng này chính là gây lãng phí”.

Hai lần máy bay hạ cánh “nhầm” xuống đường băng số 2

Trong năm 2018, đã có 2 chuyến bay của 2 hãng hàng không hạ cánh nhầm xuống đường băng số 2 của sân bay Cam Ranh. Nguyên nhân là do phi công cho rằng đường băng đã thi công xong và đã khai thác.

Nhà chức trách đánh giá, việc hạ cánh nhầm đường băng là sự cố uy hiếp an toàn hàng không. Các tổ bay và đơn vị điều hành bị đình chỉ, xử lý theo quy định. Tuy nhiên, sau các sự cố này, giới chức ngành hàng không cũng nhấn mạnh việc cần thiết phải sớm đưa vào khai thác đường băng mới.

Châu Như Quỳnh

Dốc gần 2.000 tỷ đồng xây đường băng sân bay rồi… “đắp chiếu” (?!) - 3

Tin liên quan