Fica
  1. Thời sự

Doanh nghiệp xuất khẩu: Virus corona ảnh hưởng nặng nề đến xuất khẩu nông sản Việt Nam

Nguyễn Tuyền
Nguyễn Tuyền

“Việc cửa khẩu Việt - Trung tạm ngừng trệ trong một số ngày qua do tâm dịch virus corona chắc chắn ảnh hưởng nặng nề đến xuất khẩu nông sản Việt”.

Đây là chia sẻ của bà Nguyễn Thị Thành Thực, chủ doanh nghiệp Bagico, doanh nghiệp chuyên xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam sang thị trường Trung Quốc nói tại Toạ đàm ”Virus Corona tác động thế nào tới kinh tế Việt Nam?” mới được tổ chức tại Hà Nội sáng nay (6/2).

Theo bà Thực, hầu hết hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc là xuất tươi và xuất bằng đường bộ sang các chợ truyền thống, chợ buôn của Trung Quốc.

Bà Nguyễn Thị Thành Thực, chủ doanh nghiệp Bagico,

chuyên xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc

Vì vậy, việc cửa khẩu Việt - Trung tạm ngừng trệ trong một số ngày qua do tâm dịch virus corona chắc chắn ảnh hưởng nặng nề đến xuất khẩu nông sản Việt.

Bà này cho rằng, phần lớn nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc trong thời điểm hiện tại là 3 loại trái cây dưa hấu, thanh long và mít.

“Các loại trái cây này khi xuất sang thị trường Trung Quốc chủ yếu tập trung tại chợ buôn Giang Nam, Quảng Châu hiện dự kiến đóng cửa đến hết ngày 9/2 trong nỗ lực kiểm dịch. Nhiều xe hàng nông sản Việt hiện bị ngừng trệ ở cửa khẩu, thậm chí phải quay đầu do các bãi cửa khẩu không đủ năng lực cung cấp điện để bảo quản hàng hóa”, bà Thực chia sẻ.

Ngay cả khi cửa khẩu mở cửa thông thương, nếu chợ Giang Nam không hoạt động trở lại, các xe hàng xuất sang cũng sẽ bị ngừng trệ bên kia biên giới. Do đó, không chỉ doanh nghiệp xuất khẩu, chính những người nông dân và thương lái cũng đang từng phút chờ thông tin liệu chợ Giang Nam có mở cửa vào ngày 10/2 sắp tới hay không.

Tại một số quốc gia khác không có đường biên giới giáp ranh Trung Quốc, hoạt động xuất khẩu bằng đường biển chiếm tỷ trọng lớn thì ảnh hưởng của dịch virus corona sẽ không nặng nề như Việt Nam, nơi xuất khẩu bằng đường biển chiếm tỷ lệ rất thấp.

Dù chi phí xuất khẩu bằng đường bộ rất cao nhưng tốc độ thông quan, thời gian từ khâu đóng gói bảo quản hàng hóa đến xuất hàng được rút gọn, khác với xuất khẩu bằng đường biển tốn nhiều thời gian và công đoạn chuẩn bị hơn, gây thiệt hại hơn cho hàng nông sản.

Theo bà Thực, không phải đến lúc có dịch bệnh chúng ta mới gặp khó khăn về xuất khẩu, nếu không có dịch bện này thì thời gian tới chúng ta cũng sẽ phải đối mặt với những khó khăn về truy xuất nguồn gốc xuất khẩu nông sản bao gồm mã vùng, mã xưởng hay tem truy xuất nguồn gốc.

Vấn đề nằm ở chính sách, đến nay quy định cụ thể nào về mã vùng, mã xưởng hay tem truy xuất nguồn gốc cần gì thì chưa có. Chính sách cần phải làm kịp thời, làm nhanh hơn để hỗ trợ cho xuất khẩu nông nghiệp.

Cũng phải nói thêm rằng, thế giới mong muốn được bán hàng cho TQ đặc biệt là nông sản. Vì vậy, chúng ta đừng nghĩ rằng bài xích Trung Quốc mà phải làm sao có thể chiếm được thị trường lớn này và có đủ năng lực cạnh tranh với các quốc gia khác.

Hiện nay, thương mại điện tử của họ đã phát triển nhưng mặt hàng của chúng ta vẫn còn kém về chất lượng, mẫu mã thì chúng ta sẽ còn gặp khó khăn hơn trong xuất khẩu nông sản vào thị trường này.

Nếu làm tốt chúng ta sẽ không còn tình trạng giải cứu ở biên giới nữa. Chúng ta càng hỗ trợ, càng làm ngơ quản lý thì hệ lụy sẽ lớn. Sang Trung Quốc hàng Việt Nam quá ít chúng ta không có chỗ đứng trên thị trường mà hoàn toàn phụ thuộc vào người “đến nhà chúng ta mua mang đi”.

Bà Nguyễn Thị Thành Thực cho rằng Về vấn đề căn cơ trong lĩnh vực chính sách nếu đề xuất này phù hợp sẽ thay đổi rất nhiều. Đối với mã vùng trồng luôn cố định, không bao giờ thay đổi, nhưng đối với mã xưởng, chúng ta chưa có nhìn nhận và tiêu chuẩn công nhận.

Ví dụ như đối với vải thiều Lục Ngạn, kim ngạch xuất khẩu một năm rất cao, nhưng vì sao không có doanh nghiệp nào đầu tư xây dựng xưởng để sơ chế chế biến. Nguyên nhân vì đầu tư xây dựng nhà xưởng mà một năm chỉ làm 1 đến 2 tháng mùa vụ sẽ không hiệu quả kinh tế.

An Linh