Phát biểu tại Diễn đàn “Doanh nghiệp doanh nhân tư nhân hiến kế hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế” do Ban Kinh tế Trung ương và Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam đồng tổ chức, nhiều chuyên gia, doanh nhân đã đóng góp ý kiến để phát triển kinh tế thời gian tới.
Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG
Theo bà Nga, trong bối cảnh kinh tế thế giới biến động cần tập trung phát triển kinh tế mũi nhọn, tập trung vào hai cơ sở: Hình thành trung tâm tài chính khu vực, sản xuất công nghiệp cần tận dụng cơ hội chuyển dịch dòng vốn đầu tư do căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Bên cạnh đó, bà này cũng cho rằng, phát triển kinh tế Việt Nam cần đi liền với thu hút du khách phổ thông và cao cấp bởi Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển du lịch, đặc biệt là phát triển du lịch cao cấp.
“Cần có chiến lược ở tầm quốc gia để đầu tư cơ sở hạ tầng, có ngân sách để đầu tư hệ thống cơ sở đạt tiêu chuẩn quốc tế. Đầu tư phát triển các hạ tầng du lịch cao cấp như sân golf, casino, resort, tổ chức các festival… để phục vụ phân khúc khách du lịch cao cấp”, bà Nga đề xuất.
Bà Nga lấy ví dụ, mới đây có một đám cưới của cặp đôi Ấn Độ tổ chức tại Đà Nẵng có tới 150 đầu bếp và rất nhiều chuyên cơ. Đây là đám cưới lớn nhất mà bà từng thấy.
"Việc ngày càng có nhiều du khách tổ chức đám cưới tại Việt Nam chứng tỏ danh tiếng của du lịch Việt Nam ngày càng tăng. Cho nên Việt Nam cần đẩy mạnh quảng bá và đầu tư cho phát triển du lịch. Đồng thời nên xác định làm du lịch vì danh tiếng chứ không chỉ vì lợi nhuận", bà Nga nói.
Chủ tịch BRG đề nghị Chính phủ, bộ ngành cần đảm bảo cạnh tranh công bằng giữa các thành phần kinh tế, cần có chính sách cụ thể để các thành phần kinh tế nhận được những ưu đãi công bằng, không quá ưu tiên cho doanh nhân FDI.
“Cần cho phép doanh nghiệp tư nhân tham gia vào các lĩnh vực mà nhà nước vẫn độc quyền như đường sắt, truyền tải điện và hạ tầng hàng không…”, bà Nga kiến nghị.
Bà Nguyễn Thị Nga cho rằng, doanh nghiệp tư nhân có đủ kinh nghiệm, nguồn lực dồi dào, có thể vận hành linh hoạt để phát triển các dự án lớn, giúp Chính phủ hạn chế nợ công đồng thời tận dụng được nguồn vốn tư nhân và vốn FDI.
Chủ tịch BRG đề nghị: Kinh tế tư nhân cần được xem là một trụ cột của nền kinh tế, không thể thiếu cho đất nước, gánh đỡ nền kinh tế. Kinh tế tư nhân đã chiếm 40% GDP, trong khi các nước phát triển kinh tế tư nhân chiếm 80% GDP và trở thành nền tảng trụ cột của quốc gia.
Theo bà Nga, trong các trường hợp nhất định, Chính phủ cần có biện pháp bảo hộ doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực trọng điểm kinh tế để cạnh tranh với quốc tế. Đồng thời Chính phủ nên có các ưu đãi cho các tập đoàn kinh tế tư nhân có nhiều đóng góp cho nền kinh tế.
Nguyễn Tuyền