Fica
  1. Thời sự

Doanh nghiệp “toát mồ hôi” vì thủ tục hành là chính (!?)

Thủ tục mà doanh nghiệp phải thực hiện trên thực tiễn không hề giống với trên giấy tờ. Doanh nghiệp phải thực hiện nhiều khâu hơn, phức tạp hơn, vòng vèo hơn và nhiều rủi ro hơn.

Doanh nghiệp “toát mồ hôi” vì thủ tục hành là chính (!?) - 1

Thủ tục hành chính phiền hà trong lĩnh vực đất đai, xây dựng cũng là một trong những nguyên nhân cản trở sự phát triển của doanh nghiệp. Ảnh: Đ.V

Tại Hội nghị Những điểm mới và các lưu ý cho doanh nghiệp về Luật Đầu tư 2020, Luật Doanh nghiệp 2020, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, trong 5 năm qua, đơn vị này đã liên tục làm những khảo sát đối với các doanh nghiệp.

Nhiều doanh nghiệp chia sẻ rằng, lĩnh vực đất đai, xây dựng, thuế phí và bảo hiểm xã hội là những lĩnh vực có thủ tục hành chính phiền hà nhất.

Nhiều lĩnh vực khác cũng có thủ tục hành chính phiền hà như: bảo vệ môi trường, phòng cháy, quản lý thị trường, thanh toán qua kho bạc…

“Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến xây dựng. Cụ thể, hơn 58% doanh nghiệp khó khăn khi thực hiện thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng. Hơn 52% doanh nghiệp gặp khó khi làm các thủ tục liên quan đến quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị. Và gần 44% doanh nghiệp gặp khó khăn khi đi xin Quyết định chủ trương đầu tư”, ông Tuấn nói.

Theo ông Tuấn, thủ tục mà doanh nghiệp phải thực hiện trên thực tiễn không hề giống với trên giấy tờ. Doanh nghiệp phải thực hiện nhiều khâu hơn, phức tạp hơn, vòng vèo hơn và nhiều rủi ro hơn.

“Chính vì vậy, chúng tôi cho rằng, việc đánh giá quy trình “chạy” trên thực tế như thế nào còn quan trọng hơn là việc thiết kế quy trình trên văn bản. Hi vọng trong thời gian tới sẽ được thực hiện tốt hơn”, ông Tuấn trình bày.

Doanh nghiệp “toát mồ hôi” vì thủ tục hành là chính (!?) - 2

Hội nghị Những điểm mới và các lưu ý cho doanh nghiệp về Luật Đầu tư 2020, Luật Doanh nghiệp 2020 diễn ra tại TPHCM. Ảnh: Đ.V

Các diễn giả nhận định, cần có nhiều sự thay đổi về luật và chính sách trong thời gian tới để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp vươn lên. Hiện nay, Luật Đầu tư 2020 và Luật Doanh nghiệp 2020 đã đang có những bước tiến tích cực.

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho biết, Luật Doanh nghiệp 2020 đã có nhiều thay đổi cơ bản. Điển hình như thủ tục thành lập doanh nghiệp, quản trị công ty, thủ tục giải thể, tổ chức lại doanh nghiệp…

“Thủ tục thành lập doanh nghiệp sẽ có những thay đổi về con dấu, đăng ký doanh nghiệp, góp vốn điều lệ. Doanh nghiệp sẽ làm dấu thông thường hoặc dấu số, bỏ thủ tục thông báo mẫu dấu cho cơ quan Đăng ký kinh doanh. Đăng ký doanh nghiệp cũng sẽ hoàn toàn qua mạng thông tin điện tử hoặc qua dịch vụ bưu chính…”, ông Hiếu nói.

Theo ông Hiếu, Luật Doanh nghiệp 2020 cũng quy định rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban kiểm toán doanh nghiệp như giám sát báo cáo tài chính, giám sát bộ phận kiểm toán nội bộ của công ty, rà soát hệ thống kiểm soát nội bộ và quản lý rủi ro…

Cũng theo ông Hiếu, Luật Doanh nghiệp mới cũng nêu rõ vai trò của người thư ký công ty. Người thư ký không còn là một vị trí bình thường mà là “trái tim” của doanh nghiệp. Người thư ký sẽ đảm trách nhiều nhiệm vụ, trách nhiệm như: quản trị, truyền thông, tư vấn và rà soát sự tuân thủ của công ty.

Ngoài ra, Luật Doanh nghiệp 2020 cũng nâng cao việc bảo vệ cổ đông. Mở rộng quyền, phạm vi của cổ đông, nhóm cổ đông lớn. Bổ sung quyền đại hội cổ đông.

Doanh nghiệp “toát mồ hôi” vì thủ tục hành là chính (!?) - 3

Nhiều quy định mới được các diễn giả chia sẻ tại hội nghị. Ảnh: Đ.V

Ông Trần Du Lịch, Phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) chia sẻ, doanh nghiệp vừa trải qua một giai đoạn khó khăn khi hoạt động kinh doanh gặp trục trặc, doanh thu sụt giảm do Covid-19. Việc thay đổi chính sách nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp chuyển mình lúc này là điều rất cần thiết.

“Luật Doanh nghiệp 2020 và Luật Đầu tư 2020 được ban hành và có hiệu lực mang nhiều ý nghĩa thiết thực. Tuy nhiên, để thực sự có được những cơ hội, doanh nghiệp cần phải hiểu và biết cách áp dụng luật mới sao cho hiệu quả, đúng hướng”, ông Lịch nói.

Theo ông Lịch, Luật Doanh nghiệp 2020 và Luật Đầu tư 2020 hướng đến mục tiêu tổng thể là quản trị tốt doanh nghiệp, từ đó tạo dựng môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư thuận lợi, minh bạch, an toàn. Đồng thời hai văn bản luật này cũng giúp nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước đối với hoạt động đầu tư kinh doanh.

Đại Việt