Trong nửa đầu năm nay, với tác động của Covid-19, ngành này vẫn được xem là ít bị ảnh hưởng nhất. Tổng doanh thu công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông trong 6 tháng đầu năm ước tính gần 50 tỷ USD, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2019.
Doanh nghiệp Việt tung hàng loạt ứng dụng dịch vụ, đạt doanh số cao bất chấp đại dịch Covid-19 |
Một loạt các công ty lớn trong ngành công nghệ đều thông báo có doanh số tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm qua như FPT, Viettel, Elcom và CMC... Hầu hết các ứng dụng và giao thức số của các doanh nghiệp này đều có ghi nhận gia tăng doanh thu bất chấp đại dịch Covid-19.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 6 tháng đầu năm, đầu tư FDI vào mảng công nghiệp chế biến, chế tạo tại Việt Nam có chiều hướng gia tăng 30% so với cùng kỳ năm trước. Riêng lĩnh vực công nghệ, ứng dụng và điện tử, quy mô vốn đầu tư nước ngoài và trong nước đều gia tăng.
Bình quân, vốn của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực điện tử, công nghệ đạt khoảng hơn 10 tỷ đồng/doanh nghiệp. Trong khi đó, doanh nghiệp, các startup Việt có quy mô vốn khá khiêm tốn từ 1 tỷ đồng đến 8 tỷ đồng.
Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, cu hướng các startup Việt viết phần mềm, ứng dụng, game bán hoặc giao dịch trên thị trường thương mại điện tử đang ngày càng phổ biến. Lợi tức của hoạt động này đem về tức thì cho các cá nhân, doanh nghiệp, tuy nhiên, nguy cơ chảy máu các ý tưởng tốt (good idea) ra nước ngoài.
Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, tổng doanh thu công nghiệp CNTT, điện tử, viễn thông 6 tháng đầu năm của Việt Nam ước đạt gần 50 tỷ USD tăng trưởng 2,2% so với cùng kỳ; trong đó doanh thu từ khối FDI đạt 47 tỷ USD chiếm 95% tổng doanh thu.
Tổng doanh thu xuất khẩu CNTT, điện tử, viễn thông của Việt Nam đến tháng 6/2020: ước tính 45,7 tỷ USD, tăng trưởng 4% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu xuất khẩu từ khối FDI đạt 44,5 tỷ USD chiếm 97% tổng doanh thu xuất khẩu của Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Bellsystem24 Hoa Sao, làn sóng chuyển đổi số là tất yếu với tất cả các doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh của đại dịch COVID-19 điều này đã trở thành tất yếu.
“Thực tế chứng minh các doanh nghiệp ứng dụng các giải pháp công nghệ đã thành công trong việc giữ chân khách hàng, tăng doanh thu từ khách hàng cũ và tạo niềm tin với khách hàng mới. Từ đó, giải quyết được nỗi trăn trở của doanh nghiệp trong xu hướng cạnh tranh gay gắt về chất lượng, dịch vụ và tìm kiếm thêm được những cơ hội mới trong bối cảnh toàn cầu hóa. Bản thân Hoa Sao vẫn giữ mức tăng trưởng 15-20% trong “tâm dịch” COVID-19”, ông Tuấn chia sẻ.
Theo Bộ KH&ĐT, các tập đoàn quốc tế đẩy nhanh quá trình đa dạng hóa địa điểm đầu tư và tái định vị cơ sở sản xuất. Thực tế, các nhà đầu tư lớn đã liên tiếp đầu tư mở rộng và triển khai các dự án mới tại Việt Nam và nhiều cơ hội đón đầu dòng vốn đầu tư tái định vị sản xuất của các công ty đa quốc gia có giá trị gia tăng cao, năng lượng sạch...
An Linh