Báo cáo đánh giá của Viện Khoa học Lao động và Xã hội cho thấy, quy mô, chất lượng lao động trình độ cao của Việt Nam còn hạn chế. Đồng thời, việc sử dụng lãng phí nguồn lực quan trọng nhất của đất nước đã khiến cho năng suất lao động xã hội và sức cạnh tranh của nền kinh tế trở nên yếu kém.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam hiện chỉ đạt 3,79 điểm (thang điểm 10), xếp thứ 11 trong số 12 nước châu Á tham gia xếp hạng. Chỉ số cạnh tranh của nguồn nhân lực Việt Nam cũng chỉ đạt 3,39/10 điểm, xếp thứ 73/133 quốc gia được xếp hạng.
Việt Nam đang thiếu hụt lao động chất lượng cao. (Ảnh minh họa) |
Thiếu vẫn thiếu, thừa vẫn thừa
Qua điều tra của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, hiện 39,86% doanh nghiệp FDI đang thiếu hụt lao động và giải pháp được đưa ra chủ yếu là tuyển lao động mới. Song họ cũng lại gặp khó khăn trong công tác tuyển dụng lao động, do không có lao động đáp ứng được yêu cầu chuyên môn, kỹ thuật.
Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp rất cần lao động có tay nghề, chuyên môn cao, vẫn có tình trạng sa thải người lao động khi vẫn đang trong độ tuổi “sung sức”. Ông Ngọ Duy Hiểu, Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, tình hình sa thải lao động trên 35 tuổi diễn ra khá nhiều ở các doanh nghiệp FDI.
Ông Hiểu cho rằng, các doanh nghiệp FDI "sa thải" người lao động trên 35 tuổi bởi một số ngành, nghề không còn phù hợp. Doanh nghiệp "sợ" phải trả lương cao, đóng BHXH cao hơn cho lao động có thâm niên. Bên cạnh đó, một số lao động sau tuổi 35 không đáp ứng được yêu cầu công việc, trong lúc nguồn lao động trẻ dồi dào.
Để phát triển thị trường lao động trong nước, ông Hiểu lưu ý, cần kết nối cung - cầu lao động hiệu quả. Tổ chức tốt hệ thống thông tin thị trường lao động để giới thiệu và chắp nối việc làm ở thị trường trong nước với thị trường lao động ngoài nước. Bên cạnh đó, phải tăng cường và nâng cao chất lượng dự báo nhu cầu lao động.
Cú huých trong nâng cao chất lượng lao động
Tại hội thảo chuyên đề về lao động mới đây, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho biết, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang tạo việc làm cho hơn 3,6 triệu lao động trực tiếp và khoảng 5-6 triệu lao động gián tiếp.
Lao động trong các doanh nghiệp FDI tuy chiếm tỷ trọng thấp nhưng có hiệu quả sản xuất kinh doanh khá cao. Khu vực FDI có những đóng góp đáng kể trong việc đào tạo lao động có chất lượng, góp phần cải thiện nguồn nhân lực, ông Thắng nêu rõ.
Thứ trưởng Vũ Đại Thắng phân tích: Thông qua sự tham gia trực tiếp vào hoạt động của các doanh nghiệp FDI, một đội ngũ cán bộ quản lý, công nhân kỹ thuật có trình độ cao, cao tay nghề, từng bước được hình thành và dần tiếp cận được với khoa học, kỹ thuật, công nghệ cao và có tác phong công nghiệp hiện đại, có kỷ luật lao động tốt, học hỏi được các phương thức, kinh nghiệm quản lý tiên tiến. Một bộ phận lao động địa phương được tiếp nhận vào làm việc trong các doanh nghiệp FDI được bồi dưỡng, đào tạo tay nghề, ngoại ngữ, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, từng bước thay thế được các vị trí quan trọng, chủ chốt của doanh nghiệp.
Về cơ cấu, trình độ tay nghề của người lao động, ông Phạm Văn Cộng - Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai cho biết, lao động chưa qua đào tạo chiếm 35%. Lao động có trình độ đại học trở lên chỉ chiếm 7.2%, cao đẳng chiếm 6.1%...
Ông Phạm Văn Công đánh giá cao vai trò của khu vực FDI trong việc nâng cao trình độ cho người lao động thông qua tiếp cận với các loại trang thiết bị, máy móc hiện đại, công nghệ cao, phương thức quản lý tiên tiến.
Bên cạnh đó, môi trường làm việc trong các doanh nghiệp FDI đã tạo điều kiển để người lao động rèn luyện tác phong công nghiệp, kỷ luật trong sản xuất kinh doanh, đáp ứng được các yêu cầu của người sử dụng lao động và quy trình công nghệ, ông Công nhận định./.
Theo quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, sẽ phát triển tỷ lệ nhân lực qua đào tạo khối ngành nông, lâm, ngư nghiệp tăng từ mức 15,5% năm 2010 lên khoảng 50% vào năm 2020.
Tuy nhiên, dự báo đến năm 2020, nguồn nhân lực khối ngành này sẽ thiếu khoảng 3,2 triệu lao động qua đào tạo. Không những vậy, Việt Nam đang rất thiếu lao động có trình độ tay nghề, công nhân kỹ thuật bậc cao.
Theo Trần Ngọc
VOV