Fica
  1. Thời sự

Doanh nghiệp du lịch được hưởng những chính sách hỗ trợ gì?

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Bà Nguyễn Thị Bích Thủy (Hà Nội) là CEO của một công ty du lịch. Dịch Covid-19 làm "đóng băng" ngành Du lịch và bà được biết Chính phủ có những chính sách hỗ trợ cho người lao động ngành du lịch.

Tuy nhiên năm 2020, 2021, công ty của bà vẫn chưa nhận được bất kỳ hướng dẫn nào từ các sở ban ngành, cơ quan quản lý về thủ tục xin hỗ trợ.

Công ty bà Thủy vẫn phải đóng thuế, đóng bảo hiểm như bình thường, chậm nộp vẫn bị tính lãi. Bà Thủy hỏi, Chính phủ đã có những chính sách gì trong năm 2020, 2021 hỗ trợ cho lao động và doanh nghiệp ngành Du lịch? Văn bản hướng dẫn thủ tục doanh nghiệp sẽ nhận từ cơ quan nào?

Về vấn đề này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trả lời như sau:

Từ khi đại dịch bùng phát đến nay, Chính phủ và các Bộ ngành đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động ở tất cả các lĩnh vực trong đó có lĩnh vực du lịch, cụ thể như sau:

Các chính sách hỗ trợ năm 2020

- Hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn: Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020. Ngày 19/10/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 154/NQ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19:

+ Người lao động được hỗ trợ trong trường hợp "tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương'' khi đáp ứng các điều kiện thì doanh nghiệp lập danh sách người lao động và gửi hồ sơ đến UBND cấp huyện nơi đặt trụ sở (Điều 1, Điều 2 Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg). Mức hỗ trợ: 1.800.000 đồng/người/tháng.

+ Hỗ trợ người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp. Theo đó, UBND cấp xã tổng hợp danh sách trình UBND cấp huyện thẩm định (2 ngày làm việc) trình UBND cấp tỉnh phê duyệt danh sách (3 ngày làm việc) (Điều 5, Điều 6 Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg).

+ Hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm, người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện nhận trợ cấp thất nghiệp. Theo đó, UBND cấp xã tổng hợp danh sách gửi UBND cấp huyện thẩm định (2 ngày làm việc) trình UBND cấp tỉnh (3 ngày làm việc) phê duyệt danh sách (Điều 7, Điều 8 Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg). Mức hỗ trợ: 1.000.000 đồng/người/tháng.

+ Hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động. Theo đó, UBND cấp huyện tiếp nhận hồ sơ và trình UBND cấp tỉnh phê duyệt (2 ngày làm việc), Ngân hàng Chính sách xã hội giải quyết cho doanh nghiệp (3 ngày làm việc) (Điều 13-Điều 17 Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg).

+ Người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 dẫn đến phải giảm từ 20% lao động tham gia BHXH trở lên so với thời điểm cơ quan có thẩm quyền công bố dịch (kể cả lao động ngừng việc, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thỏa thuận nghỉ không hưởng lương) thì người lao động và người sử dụng lao động được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất tối đa không quá 3 tháng kể từ thời điểm nộp hồ sơ đề nghị xét hưởng (Điểm c Khoản1 Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 19/10/2020).

- Giảm tiền thuê đất cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19: Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020, cho phép giảm 15% tiền thuê đất phải nộp của năm 2020 theo Quyết định số 22/2020/QĐ-TTg ngày 10/8/2020.

- Giảm giá bán điện cho cơ sở lưu trú du lịch từ mức giá bán lẻ điện áp dụng cho kinh doanh bằng mức giá bán lẻ điện áp dụng cho các ngành sản xuất theo Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ với thời gian từ ngày 16/4/2020 đến hết ngày 16/7/2020 và Nghị quyết số 180/NQ-CP ngày 17/12/2020 về phương án hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện tháng 11, tháng 12/2020 cho các khách hàng sử dụng điện.

- Giảm 50% phí thẩm định cấp giấy phép kinh doanh lữ hành theo quy định của Thông tư số 35/2020/TT-BTC ngày 5/5/2020 của Bộ Tài chính.

- Cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo quy định của Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi phí và giữ nguyên nhóm nợ để tiếp tục hỗ trợ các khách hàng bị ảnh hưởng bởi COVID-19.

Các chính sách hỗ trợ năm 2021

- Gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất năm 2021 (Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021 của Chính phủ). Thời gian gia hạn là 6 tháng kể từ ngày 31/5/2021.

- Giảm giá bán điện cho cơ sở lưu trú du lịch từ mức giá bán lẻ điện áp dụng cho kinh doanh bằng mức giá bán lẻ điện áp dụng cho các ngành sản xuất (Nghị quyết số 55/NQ-CP ngày 2/6/2021 của Chính phủ). Thời gian hỗ trợ 7 tháng kể từ kỳ hóa đơn tiền điện tháng 6/2021 đến tháng 12/2021. Các địa phương đang tích cực lập danh sách gửi cơ quan điện lực đề nghị giảm giá điện.

- Giảm 50% phí thẩm định cấp giấy phép kinh doanh lữ hành (Thông tư số 35/2020/TT-BTC ngày 5/5/2020 và Thông tư số 112/2020/TT-BTC ngày 29/12/2020 của Bộ Tài chính, kéo dài đến hết năm 2021 theo quy định Thông tư số 47/2021/TT-BTC ngày 24/6/2021).

- Miễn, giảm lãi vay đến hết năm 2021 (Thông tư số 03/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư số 01/2020/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi phí và giữ nguyên nhóm nợ  để tiếp tục hỗ trợ các khách hàng bị ảnh hưởng bởi COVID-19), áp dụng đến hết ngày 31/12/2021.

- Lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn đến hết năm 2021 (Công văn số 2059/TLĐ ngày 28/5/2021 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19). Thời hạn đến hết ngày 31/12/2021.

- Các khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp (Nghị định 44/2021/NĐ-CP ngày 31/3/2021 của Chính phủ).

- Hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn (Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021).

Hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động

- Hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất. Theo đó, doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện thì nộp văn bản đề nghị cho cơ quan BHXH nơi đang tham gia BHXH đồng thời gửi 1 bản cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để theo dõi, giám sát. Cơ quan BHXH có trách nhiệm giải quyết cho doanh nghiệp, người lao động (5 ngày làm việc) (Điều 4-Điều 8 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg).

- Hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động. Theo đó, người sử dụng lao động đáp ứng đủ điều kiện, đề nghị cơ quan BHXH nơi đang tham gia BHXH xác nhận về việc đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp (thời gian giải quyết là 2 ngày làm việc), người sử dụng lao động nộp hồ sơ gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xử lý (7 ngày làm việc), Sở Lao động - Thương binh và Xã hội gửi Quyết định hỗ trợ đến cơ quan BHXH cấp tỉnh xử lý (3 ngày làm việc). Mức hỗ trợ: 1.500.000 đồng/người/tháng, hỗ trợ tối đa 6 tháng.

- Hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương. Theo đó, doanh nghiệp đề nghị cơ quan BHXH xác nhận người lao động đang tham gia BHXH (thời gian xác nhận 2 ngày làm việc), và gửi hồ sơ đến UBND cấp huyện nơi đặt trụ sở chính thẩm định (2 ngày làm việc) và UBND cấp huyện trình UBND cấp tỉnh phê duyệt danh sách (2 ngày làm việc) (Điều 13-Điều 16 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg). Mức hỗ trợ: 1.855.000 đồng/người đối với người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 15 ngày liên tục trở lên đến dưới 1 tháng và 3.710.000 đồng/người đối với người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 30 ngày trở lên.

- Hỗ trợ người lao động ngừng việc. Theo đó, doanh nghiệp đề nghị cơ quan BHXH xác nhận người lao động đang tham gia BHXH (thời gian xác nhận 2 ngày làm việc), và gửi hồ sơ  đến UBND cấp huyện nơi đặt trụ sở chính thẩm định (2 ngày làm việc) và UBND cấp huyện trình UBND cấp tỉnh phê duyệt danh sách (2 ngày làm việc) (Điều 17-Điều 20 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg).

- Hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp. Theo đó, người lao động có nhu cầu hỗ trợ gửi hồ sơ đến Trung tâm Dịch vụ việc làm thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thẩm định (2 ngày làm việc) trình UBND cấp tỉnh phê duyệt danh sách, chỉ đạo chi trả hỗ trợ (3 ngày làm việc) (Điều 21-24 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg).

- Hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch: Hướng dẫn viên gửi hồ sơ đến Sở cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh nơi cấp thẻ cho hướng dẫn viên du lịch thẩm định (thời gian thẩm định 2 ngày làm việc), cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh gửi danh sách trình UBND cấp tỉnh quyết định (thời gian phê duyệt 2 ngày làm việc) (Điều 31-34 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg). Mức hỗ trợ: 3.710.000 đồng/người.

- Hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn trả lương ngừng việc, vay vốn trả lương cho người lao động khi phục hồi sản xuất. Theo đó, người sử dụng lao động đề nghị cơ quan BHXH xác nhận danh sách người lao động đang tham gia BHXH (thời gian xác nhận 2 ngày làm việc), rồi gửi hồ sơ đã có xác nhận đến Ngân hàng Chính sách xã hội nơi có trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh để phê duyệt cho vay (4 ngày xử lý hồ sơ) (Điều 38-Điều 49 Quyết định số 23/QĐ/2021/QĐ-TTg).

Hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang tiếp tục kiến nghị với các Bộ ngành và Chính phủ ban hành chính sách tiếp tục hỗ trợ trực tiếp đến các doanh nghiệp, người lao động trong lĩnh vực du lịch như:

- Chính sách về giảm thuế suất VAT từ 10% xuống 5% đến hết năm 2022 cho hoạt động kinh doanh du lịch;

- Điều chỉnh giá điện áp dụng cho các cơ sở lưu trú du lịch ngang bằng với giá điện sản xuất những năm tới theo tinh thần Nghị quyết số 08/NQ-TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển Du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, trước mắt áp dụng đến hết năm 2022;

- Kéo dài chính sách giảm tiền thuê đất đối với các doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 đến hết năm 2022; 

- Điều chỉnh thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ (kể cả trường hợp gia hạn nợ) là 24 tháng thay vì 12 tháng; xem xét kéo dài thời gian áp dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ sau ngày 10/6/2020 thay vì trước ngày 10/6/2020 và cho phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng thực hiện trong năm 2022 hoặc đến khi dịch COVID-19 được kiểm soát và hoạt động du lịch được triển khai bình thường, bổ sung gói tín dụng cho doanh nghiệp, chủ cơ sở kinh doanh du lịch vay một số khoản vay với lãi suất ưu đãi để trả lương, đóng bảo hiểm cho người lao động (để giữ chân lao động tay nghề cao), vay để sửa chữa, duy tu cơ sở lưu trú du lịch, khu diểm du lịch (xuống cấp do thời gian dài đóng cửa, tạm dừng hoạt động); Chính phủ sớm thông qua Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch để giảm tiền ký quỹ cho doanh nghiệp lữ hành góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, lao động ngành du lịch.

Để được hưởng các chính sách hỗ trợ, bà Nguyễn Thị Bích Thủy cần gửi hồ sơ tới các cơ quan có thẩm quyền quy định tại các văn bản nêu trên.

Theo Chinhphu.vn

Tin liên quan