Fica
  1. Thời sự

Điện một giá: Gần 2.900 đồng/kWh, chuyên gia nói hơi cao, ai sẽ được lợi?

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Dân trí Tại dự thảo về cơ cấu biểu giá điện bán lẻ, Bộ Công Thương đề xuất mức giá cho phương án "một giá điện" dao động khoảng 2.703-2.890 đồng một kWh, chưa bao gồm thuế VAT.

Thời tiết nắng nóng kéo dài từ tháng 5 tới nửa đầu tháng 7 khiến tình hình tiêu thụ điện, tiền điện của nhiều hộ dân tăng cao. Đến hẹn lại “nóng" đó là vấn đề hoá đơn tiền điện tăng vọt.

Trước tình hình trên, nhiều ý kiến đã lên tiếng kiến nghị nhà nước nên sớm áp dụng điện “một giá" để đảm bảo công bằng, rõ ràng.

Điện một giá: Gần 2.900 đồng/kWh, chuyên gia nói hơi cao, ai sẽ được lợi? - 1

Mới đây, khi đưa ra dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, Bộ Công Thương đã đưa ra 2 phương án lựa chọn về biểu giá điện. Trong 2 phương án này, có phương án cho phép người dùng điện được lựa chọn một giá điện thay vì dùng bậc thang luỹ tiến.

Cụ thể, dự thảo nêu: Khách hàng được quyền chọn áp dụng giá sinh hoạt 5 bậc hoặc giá bán lẻ điện một giá. Thời gian tối thiểu khi khách hàng thay đổi từ giá bán lẻ điện 5 bậc sang điện một giá (hoặc ngược lại) là một năm (12 kỳ hóa đơn thanh toán).

Trong đó, giá bán lẻ điện sinh hoạt cho khách hàng lựa chọn một giá cũng có 2 phương án tương ứng là 145% và 155% so với mức giá bán lẻ điện bình quân.

Với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành là 1.864,44 đồng một kWh, theo tính toán người dùng sẽ phải trả khoảng 2.703 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT) nếu chọn phương án 145% và khoảng 2.890 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT) nếu chọn phương án 155%.

Nói với Dân trí, ông Trần Văn Bình - chuyên gia về ngành điện - cho biết: Với phương án điện một giá trên, hầu hết người dân sẽ lựa chọn bậc thang luỹ tiến theo 5 bậc.

Ông Bình phân tích: Nếu chọn bậc thang luỹ tiến như trong dự thảo, người dùng 700kWh trở lên thì sẽ phải dùng giá điện khoảng hơn 5.000 đồng/kWh.

“Đối tượng này chắc chắn được chọn họ sẽ dùng một giá, nhưng thử hỏi có bao nhiêu hộ dân hiện này ở Việt Nam dùng hầu hết tháng nào cũng 700 kWh/tháng? Con số này không nhiều” - ông Bình nói.

Còn với phương án điện một giá mà lên tới 2.890 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT) như trên, ông Bình cho rằng nếu sử dụng điện năng ở mức chung hiện nay thì chọn luỹ tiến sẽ có lợi hơn. 

Trong khi đó, GS. Trần Đình Long - Phó Chủ tịch Hội điện lực Việt Nam - cho rằng phương án bằng 155% giá điện bình quân là “hơi cao”.

“Một giá thì thông thường phải cao hơn giá bình quân. Vì ở quốc gia nào, điện sinh hoạt phải bù lỗ điện công nghiệp, để sản phẩm công nghiệp có khả năng cạnh tranh” - ông Long nói. Tuy nhiên, để đưa ra những con số cao hơn 145% hay 155%, cơ quan soạn thảo gần làm rõ với dư luận cơ sở về những con số này. Đồng thời giải thích vì sao đưa ra 2 phương án 145% và 155% như vậy.

“Dù cơ cấu biểu giá bán lẻ sửa đổi có như thế nào, bao giờ cũng phải đảm bảo nguyên tắc con số doanh thu ngành điện cũng thay đổi, không giảm cũng không tăng lên” - ông Long góp ý.

Các chuyên gia cho biết, Việt Nam theo lộ trình Thủ tướng phê duyệt từ năm 2022 - 2024 phải vận hành thử thị trường bán lẻ điện cạnh tranh và tiến đến năm 2025 phải hoàn chỉnh thị trường bán lẻ điện này.

Do vậy giải pháp thu gọn khoảng cách các bậc tính giá điện trong lúc này là cần thiết, tuy nhiên việc điều chỉnh cơ cấu biểu giá này như thế nào để hợp lý, đảm bảo sự chi trả cho người dân cũng như sự cân đối của ngành điện là vấn đề cần được tính toán thận trọng.

Các phương án về giá điện vừa được đưa ra tại dự thảo:

Điện một giá: Gần 2.900 đồng/kWh, chuyên gia nói hơi cao, ai sẽ được lợi? - 2

Điện một giá: Gần 2.900 đồng/kWh, chuyên gia nói hơi cao, ai sẽ được lợi? - 3

Điện một giá: Gần 2.900 đồng/kWh, chuyên gia nói hơi cao, ai sẽ được lợi? - 4

Các phương án về sửa đổi biểu giá đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến. Dự kiến biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt mới sẽ áp dụng từ đầu năm 2021.

Nguyễn Mạnh