Tình hình sản xuất đã có dấu hiệu hồi phục trở lại với chỉ số PMI tháng 9 vượt mốc 50 điểm |
Theo báo cáo của IHS Markit, chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) của Việt Nam trong tháng 9 đạt 52,2 điểm, nằm trên ngưỡng trung tính 50 điểm.
Các chuyên gia BVSC đánh giá, kết quả này cho thấy, các điều kiện sản xuất kinh doanh đã cải thiện lại sau hai tháng suy giảm liên tiếp. Đây cũng là mức cải thiện đáng kể nhất kể từ tháng 7/2019.
Việc kiểm soát được đại dịch Covid-19 là nguyên nhân chính giúp hỗ trợ cải thiện các điều kiện sản xuất kinh doanh.
Niềm tin kinh doanh được cải thiện và tăng thành mức cao nhất 14 tháng trở lại đây. Nhu cầu tăng lên đã khiến số lượng đơn đặt hàng mới tăng mạnh.
Số lượng đơn đặt hàng mới từ nước ngoài cũng tăng trong tháng 9, và đây là lần tăng đầu tiên kể từ tháng 1. Do số lượng đơn đặt hàng mới tăng mạnh, sản lượng cũng tăng mạnh nhất từ tháng 7/2019.
Lĩnh vực sản xuất trong nước đã bị ảnh hưởng sau khi số lượng ca nhiễm Covid-19 tăng vào cuối tháng 7 và đầu tháng 8.
BVSC cũng cho rằng, sau khi dịch bệnh được khống chế, các điều kiện sản xuất kinh doanh đã cải thiện tích cực trong tháng 9. Tuy nhiên, việc duy trì xu hướng tích cực phụ thuộc vào việc khống chế số ca nhiễm không tăng trở lại.
Tại báo cáo phân tích mới cập nhật, chuyên gia phân tích từ Công ty chứng khoán VCBS, cũng đánh giá, số liệu PMI tháng 9 cùng với GDP, theo Tổng cục Thống kê đã công bố cho thấy nền kinh tế ghi nhận những điểm sáng tích cực nhất định.
Cụ thể, GDP quý 3/2020 tăng 2,62% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động kinh tế tăng trưởng chậm trong quý 3 do làn sóng dịch Covid-19 thứ hai. Tuy vậy, các biện pháp giãn cách tích cực phần nào đã đem lại các hiệu quả rõ rệt.
Theo nhận định của VCBS, việc thay đổi chính sách đối phó sang “sống chung an toàn với dịch bệnh” là phù hợp với mục tiêu kép của Chính phủ và dự báo sẽ khiến tăng trưởng GDP trong quý 4 hồi phục đáng kể.
Từ đó, VCBS điều chỉnh tăng nhẹ dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2020 đạt 2,73%-3,06% so với dự báo tăng trưởng 2,6%-3% trong tháng 7.
Mai Chi