Fica
  1. Thời sự

Đề xuất dừng thí điểm Grab; Con Cưng dính lùm xùm cắt tem nhãn, gắn “mác ngoại”

Tuần qua, nhiều thông tin thị trường “gây sốc” với việc xe SH 30 triệu đồng nhan nhản hậu World Cup, chuỗi cửa hàng đồ trẻ em, bà bầu Con Cưng dính nghi vấn cắt tem nhãn, gắn “mác ngoại; còn Grab lại gây tranh cãi về vấn đề thuế và bị đề nghị dừng thí điểm.

Chuỗi cửa hàng đồ trẻ em, bà bầu Con Cưng: Cắt tem nhãn, gắn... "mác ngoại"?

Ông Trương Đình Công Vĩnh (ngụ phường 14, quận Tân Bình) đã gửi ý kiến khiếu nại của mình đến nhiều cơ quan, đơn vị về việc sản phẩm của Công ty Cổ phần Con Cưng (Con Cưng) bị lỗi, tem nhãn bị cắt và thay thế bằng tem nhãn CF (Con Cưng Fashion).

Tình trạng cắt tem nhãn, gắn mác ngoại đang khiến người tiêu dùng trong nước lo ngại

Tình trạng cắt tem nhãn, gắn mác ngoại đang khiến người tiêu dùng trong nước lo ngại

Ông Vĩnh cho biết, chiều ngày 22/5, ông đến siêu thị của Con Cưng tại số 788 Âu Cơ (phường 14, quận Tân Bình ) để mua hàng với tổng giá trị hóa đơn là gần 1,5 triệu đồng. Trong đó có bộ quần áo thun bé gái dài trị giá 329.000 đồng.

“Tôi mang các sản phẩm về nhà rồi mang đi giặt thì phát hiện bộ quần áo thun có dấu hiệu cắt tem nhãn và thay thế bằng tem nhãn CF có ghi xuất xứ là Made in Thailand”, ông Vĩnh nói.

Cũng theo ông Vĩnh, qua vụ việc của thương hiệu Khaisilk cắt tem nhãn xuất xứ sản phẩm rồi thay thế bằng tem nhãn Made in Viet Nam để lừa dối người tiêu dùng suốt thời gian dài khiến ông lo ngại về sản phẩm của Con Cưng cũng có dấu hiệu tương tự.

30 triệu đồng/xe SH, xe trộm cắp “hoá kiếp” xe thật nhan nhản hậu World Cup

Nhu cầu thực mua xe tay ga cao cấp của người dân hiện không phải cao, nhất là mùa hè. Nhưng sau mùa World Cup, những chiếc xe SH giá chỉ 30 - 40 triệu đồng thì lại thu hút được rất nhiều sự quan tâm. Nhiều người vẫn tin rằng đó là xe tốt của dân cá độ cần tiền, nhưng kì thực không phải vậy.

Giá rẻ, nhưng SH không giấy tờ rất nhiều rủi ro

Giá rẻ, nhưng SH không giấy tờ rất nhiều rủi ro

Để giúp độc giả Dân Trí hiểu rõ về những chiếc xe trôi nổi này, phóng viên đã liên hệ với một người quen làm trong nghề kinh doanh xe tay ga cao cấp lâu năm. Hẹn gặp được anh T.D.A. (Lĩnh Nam, Hà Nội) tại xưởng, anh cho biết: “SH không giấy tờ hiện giờ đang có giá chung là khoảng 30 triệu đồng. Nhưng rất ít người dám động vào mảng này. Vì ngay cả tôi làm mảng này các đối thủ trong nghề nắm được thông tin còn nhanh hơn các cơ quan chức năng".

“Họ tố giác tới công an là không những mất nghề mà còn dính án. Tất cả xe này đều là xe nhảy. Ngay cả các cửa hàng cầm đồ cũng ít dám làm loại xe này chứ chưa nói tới các cửa hàng kinh doanh xe cũ”, anh A. cho biết.

Hiệp hội taxi 3 miền đề xuất dừng thí điểm Grab, chờ nghị định mới

Hiệp hội taxi Hà Nội, Hiệp hội taxi TP.HCM và Hiệp hội taxi Đà Nẵng vừa có văn bản gửi tới lãnh đạo Chính phủ góp ý về việc sửa đổi bổ sung Nghị định 86/2014/NĐ-CP (lần 4) về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Taxi truyền thống vẫn đang kiên trì trong cuộc chiến dài hơi với taxi công nghệ

Taxi truyền thống vẫn đang kiên trì trong "cuộc chiến" dài hơi với taxi công nghệ

Theo đó, đại diện Hiệp hội taxi 3 miền kiến nghị bổ sung quy định về màu biển kiểm soát dành cho xe kinh doanh vân tải theo hướng: Tất cả các xe kinh doanh vận tải hành khách dưới 9 chỗ ngồi sẽ được cấp biển kiểm soát có màu riêng (màu vàng).

Bày tỏ quan ngại trước việc Grab liên tục báo lỗ, đồng thời lượng xe ngày một gia tăng, đại diện Hiệp hội taxi 3 miền kiến nghị lãnh đạo Chính phủ cần xem lại việc cho kéo dài thí điểm đối với Quyết định số 24 của Bộ GTVT.

Đại diện các hiệp hội taxi đã kiến nghị Chính phủ nên cho tạm dừng thí điểm loại hình này cho đến khi có nghị định mới thay thế Nghị định 86 – với các quy định rõ ràng, minh bạch, công bằng hơn cho các hoạt động vận tải.

Truy thu 53,3 tỷ đồng thuế của Uber: Cục thuế TPHCM lúng túng, xin lãnh đạo “cứu viện”

Liên quan đến khoản truy thu 53,3 tỷ đồng thuế của Uber B.V, Cục trưởng Cục thuế TPHCM Trần Ngọc Tâm cho hay, Tòa án hiện đang thụ lý vụ việc nhưng khả năng khó có thể thu hồi khoản nợ thuế này.

Sau khi Uber bị Grab thâu tóm, khoản truy thu hơn 53 tỷ đồng tiền thuế trở nên khó khả thi

Sau khi Uber bị Grab thâu tóm, khoản truy thu hơn 53 tỷ đồng tiền thuế trở nên khó khả thi

“Một vấn đề lúng túng xin Tổng cục Thuế hỗ trợ là quản lý thu thuế Uber. Hiện Uber không còn tồn tại ở Việt Nam, nên không thể thực hiện thu thuế được. Tòa án thì đang thụ lý nhưng cũng không biết lúc nào thì xử lý”, ông Tâm cho biết.

Trong khi đó, sau khi thâu tóm UB, phía Grab thẳng thừng khẳng định, Grab không liên quan đến khoản tiền mà Cục thuế TPHCM đang truy thu Uber.

“Đây là vấn đề thuộc về trách nhiệm của Uber, và hoàn toàn không liên quan đến Grab. Grab không mua lại tư cách pháp nhân của Uber tại Việt Nam - đơn vị phải chịu toàn bộ trách nhiệm pháp lý giải quyết các vấn đề liên quan đến nghĩa vụ thuế với cơ quan thuế tại Việt Nam. Do đó, chúng tôi xin phép không đưa ra thêm bất kỳ bình luận gì liên quan đến vấn đề này”, đại diện Grab cho biết.

Vụ Nguyễn Kim nợ thuế 148 tỷ đồng: “Lách thuế” trong thời gian dài là “trốn thuế”

Liên quan đến vụ việc Công ty Cổ phẩn Thương mại Nguyễn Kim (Nguyễn Kim) bị Cục Thuế TPHCM xử phạt và truy thu số tiền thuế “khủng” lên đến hơn 148 tỷ đồng, trong đó truy thu thuế thu nhập cá nhân với số tiền 104,7 tỷ đồng thì luật sư Thùy Dương đã đưa ra nhiều nhận định về pháp lý.

Nguyễn Kim đã nộp hơn 148 tỷ đồng tiền phạt và truy thu thuế của Cục Thuế TPHCM

Nguyễn Kim đã nộp hơn 148 tỷ đồng tiền phạt và truy thu thuế của Cục Thuế TPHCM

Muốn xác định hành vi của Nguyễn Kim là “kê khai sai” hay hành vi trốn thuế phải xem xét hành vi này là cố ý hay vô ý, mức độ cố ý tới đâu, có gian dối hay không. Kết luận chỉ chính xác nếu có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng để điều tra toàn diện các chứng từ, sổ sách của công ty.

“Nếu xác định được hành vi của Nguyễn Kim được thực hiện với lỗi cố ý trong thời gian dài thì tôi nhận định hành vi của Nguyễn Kim thỏa mãn cấu thành Tội trốn thuế theo quy định của Bộ luật hình sự hiện hành”, luật sư Thùy Dương nói.

Bởi theo luật sư Dương, Nguyễn Kim đã cố tình hạch toán, kê khai sai tiền lương của cán bộ nhân viên để nộp tiền thuế thu nhập cá nhân ít hơn mức thuế phải nộp. Đây là hành vi “sử dụng chứng từ, tài liệu không hợp pháp khác để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được hoàn” theo quy định tại điểm đ, Khoản 1, Điều 200 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi 2017) quy định về tội “trốn thuế”.

Hà Nội tháo dỡ “cung điện công chúa” xây trái phép

Trao đổi với Dân trí, một lãnh đạo UBDN huyện Ba Vì cho biết sáng ngày 20/7 bắt đầu thực hiện cưỡng chế đối với công trình vi phạm trật tự xây dựng tại thôn Phú Yên, xã Yên Bài (huyện Ba Vì, Hà Nội).

Công trình cung điện công chúa xây dựng trên diện tích 9.000 m2

Công trình "cung điện công chúa" xây dựng trên diện tích 9.000 m2

Theo đó, toàn bộ công trình vi phạm trên diện tích hơn 9.000 m2 này sẽ bị tháo dỡ và khôi phục lại hiện trạng sử dụng đất của phần xây dựng nêu trên. Thời gian cưỡng chế dự kiến được thực hiện trong khoảng một ngày.

Được biết, công trình vi phạm này thường được xuất hiện với tên gọi “cung điện thờ thiên” hay "cung điện công chúa", do ông Lê Viết Long có địa chỉ tại Hà Nội làm chủ đầu tư. Quần thể công trình gồm có khuôn viên, cổng chính và điện thờ. Phần điện chính là tòa nhà cao 9m, móng được xây bằng đá ong và đổ đất bên trong. Trong đó phần cổng chính cao khoảng 15m. Cung điện thờ thiên được bao quanh bởi đồi núi và hồ nước lớn.

Bích Diệp (tổng hợp)